Banner trang chi tiết
MathX Cùng em học toán > 50 BÀI TOÁN CHỌN LỌC BỒI DƯỠNG ÔN THI HỌC SINH GIỎI KÈM LỜI GIẢI CHI TIẾT (PHẦN 2) - TOÁN LỚP 5

50 BÀI TOÁN CHỌN LỌC BỒI DƯỠNG ÔN THI HỌC SINH GIỎI KÈM LỜI GIẢI CHI TIẾT (PHẦN 2) - TOÁN LỚP 5

 

Tiếp tục với chủ đề "ôn thi học sinh giỏi toán lớp 5", sau đây MATHX xin gửi tới phụ huynh và các em học sinh phần 2 của bài viết 50 bài toán chọn lọc bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi toán lớp 5. Để theo dõi phần 1, phụ huynh và các em học sinh truy cập vào link ở phía bên dưới. Chúc các em ôn tập hiệu quả và đạt nhiều thành tích cao trong các kì thi!

 

50 BÀI TOÁN CHỌN LỌC BỒI DƯỠNG ÔN THI HỌC SINH GIỎI KÈM LỜI GIẢI CHI TIẾT (PHẦN 1) - TOÁN LỚP 5

 

 

 

50 BÀI TOÁN CHỌN LỌC BỒI DƯỠNG ÔN THI HỌC SINH GIỎI (PHẦN 2) - TOÁN LỚP 5

 

 

 

Bài 26: Chiếc bánh trung thu - Nhân tròn ở giữa - Hãy cắt 4 lần - Thành 12 miếng - Nhưng nhớ điều kiện - Các miếng bằng nhau - Và lần cắt nào - Cũng qua giữa bánh

 

 

Lời giải :

 

Với bài toán này có rất nhiều cách để làm. Sau đây thầy cô Mathx sẽ giới thiệu tới các em 3 cách.

 

Cách 1: Nhát thứ nhất chia đôi theo bề dầy của chiếc bánh và để nguyên vị trí này cắt thêm 3 nhát (như hình vẽ).

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 26 giải 1

 

Lưu ý là AM = BN = DQ = CP = 1/6 AB và IA = ID = KB = KC = 1/2 AB.

Các bạn có thể dễ dàng chứng minh được 12 miếng bánh là bằng nhau và cả 3 nhát cắt đều đi qua đúng ... tâm bánh.

 

Cách 2: Cắt 2 nhát theo 2 đường chéo để được 4 miếng rồi chồng 4 miếng này lên nhau cắt 2 nhát để chia mỗi miếng thành 3 phần bằng nhau (lưu ý: BM = MN = NC).

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 26 giải 2

 

Cách 3: Nhát thứ nhất cắt như cách 1 và để nguyên vị trí này để cắt thêm 3 nhát như hình vẽ.

Lưu ý: AN = AM = CQ = CP = 1/2 AB.

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 26 giải 3

 

 

Bài 27: Mỗi đỉnh của một tấm bìa hình tam giác được đánh số lần lượt là 1; 2; 3. Người ta chồng các tam giác này lên nhau sao cho không có chữ số nào bị che lấp. Một bạn cộng tất cả các chữ số nhìn thấy thì được kết quả là 2002. Liệu bạn đó có tính nhầm không?

 


Lời giải :

 

Tổng các số trên ba đỉnh của mỗi hình tam giác là 1 + 2 + 3 = 6.

Tổng này là một số chia hết cho 6.

Khi chồng các hình tam giác này lên nhau sao cho không có chữ số nào bị che lấp, rồi tính tổng tất cả các chữ số nhìn thấy được phải có kết quả là số chia hết cho 6.

Vì số 2002 không chia hết cho 6 nên bạn đó đã tính sai.

 

 

Bài 28: Bạn hãy điền đủ 12 số từ 1 đến 12, mỗi số vào một ô vuông sao cho tổng 4 số cùng nằm trên một cột hay một hàng đều như nhau.

 


Lời giải :

 

Tổng các số từ 1 đến 12 là: (12+1) x 12 : 2 = 78

Vì tổng 4 số cùng nằm trên một cột hay một hàng đều như nhau nên tổng số của 4 hàng và cột phải là một số chia hết cho 4. Đặt các chữ cái A, B, C, D vào các ô vuông ở giữa (hình vẽ).

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 28 giải 1

 

Khi tính tổng số của 4 hàng và cột thì các số ở các ô A, B, C, D được tính hai lần. Do đó để tổng 4 hàng, cột chia hết cho 4 thì tổng 4 số của 4 ô A, B, C, D phải chia cho 4 dư 2 (vì 78 chia cho 4 dư 2). Ta thấy tổng của 4 số có thể là: 10, 14, 18, 22, 26, 30, 34, 38, 42.

Ta xét một vài trường hợp:

1) Tổng của 4 số bé nhất là 10. Khi đó 4 số sẽ là 1, 2, 3, 4. Do đó tổng của mỗi hàng (hay mỗi cột) là: (78 + 10) : 4 = 22. Ta có cách điền như hình dưới:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 26 giải 2

 

2) Tổng của 4 số là 14. Ta có:
14 = 1 + 2 + 3 + 8 = 1 + 2 + 4 + 7 = 1 + 3 + 4 + 6 = 2 + 3 + 4 + 5.

Do đó tổng của mỗi hàng (hay mỗi cột) là: (78 + 14) : 4 = 23.

Ta có cách điền như hình sau:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 28 giải 3

 

Các trường hợp còn lại sẽ cho ta kết quả ở mỗi hàng (hay mỗi cột) lần lượt là 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30. Ngoài ra còn có rất nhiều cách điền khác nữa đấy, Mathx sẽ để các em tự thử làm nhé.

 

 

Bài 29: Một đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ do thành phố tổ chức đạt được 15 giải. Hỏi đội tuyển học sinh giỏi đó có bao nhiêu học sinh? Biết rằng: Học sinh nào cũng có giải. Bất kỳ môn nào cũng có ít nhất 1 học sinh chỉ đạt 1 giải. Bất kỳ hai môn nào cũng có ít nhất 1 học sinh đạt giải cả hai môn. Có ít nhất 1 học sinh đạt giải cả 3 môn. Tổng số học sinh đạt 3 giải, 2 giải, 1 giải tăng dần.

 

Lời giải :

 

Gọi số học sinh đạt giải cả 3 môn là a (học sinh)

Gọi số học sinh đạt giải cả 2 môn là b (học sinh)

Gọi số học sinh chỉ đạt giải 1 môn là c (học sinh)

Tổng số giải đạt được là:

3 x a + 2 x b + c = 15 (giải).

Vì tổng số học sinh đạt 3 giải, 2 giải, 1 giải tăng dần nên a < b < c.

Vì bất kỳ 2 môn nào cũng có ít nhất 1 học sinh đạt giải cả 2 môn nên:

- Có ít nhất 1 học sinh đạt giải cả 2 môn Văn và Toán.

- Có ít nhất 1 học sinh đạt giải cả 2 môn Toán và Ngoại Ngữ.

- Có ít nhất 1 học sinh đạt giải cả 2 môn Văn và Ngoại Ngữ.

Do vậy b= 3.

Giả sử a = 2 thì b bé nhất là 3, c bé nhất là 4; do đó tổng số giải bé nhất là:

3 x 2 + 2 x 3 + 4 = 16 > 15 (loại). Do đó a < 2, nên a = 1.

Ta có: 3 x 1 + 2 x b + c = 15 suy ra: 2 x b + c = 12.

Nếu b = 3 thì c = 12 - 2 x 3 = 6 (đúng).

Nếu b = 4 thì c = 12 - 2 x 4 = 4 (loại vì trái với điều kiện b < c)

Vậy có 1 bạn đạt 3 giải, 3 bạn đạt 2 giải, 6 bạn đạt 1 giải.

Đội tuyển đó có số học sinh là:

1 + 3 + 6 = 10 (bạn).

 

 

Bài 30: Điền số: Sử dụng các số 3, 5, 8, 10 và các dấu +, - , x để điền vào mỗi ô còn trống ở bảng sau: (Chỉ được điền một dấu hoặc một số vào mỗi hàng hoặc mỗi cột. Điền từ trái sang phải, từ trên xuống dưới).

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 30

 


Lời giải :

 

Các em có thể xét các tổng theo từng hàng, từng cột và không khó khăn lắm sẽ có kết quả sau:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 30 giải

 

 

Bài 31: 20 Giỏ dưa hấu: Trí và Dũng giúp bố mẹ xếp 65 quả dưa hấu mỗi quả nặng 1kg, 35 quả dưa hấu mỗi quả nặng 2kg và 15 quả dưa hấu mỗi quả nặng 3kg vào trong 20 giỏ. Mọi người cùng đang làm việc, Trí chạy đến bàn học lấy giấy bút ra ghi... ghi và Trí la lên: “Có xếp thế nào đi chăng nữa, chúng ta luôn tìm được 2 giỏ trong 20 giỏ này có khối lượng bằng nhau”. Các bạn hãy chứng tỏ là Trí đã nói đúng.

 


Lời giải :

 

Tổng khối lượng dưa là:

1 x 65 + 2 x 35 + 3 x 15 = 180 (kg).

Giả sử khối lượng dưa ở mỗi giỏ khác nhau thì tổng khối lượng dưa ở 20 giỏ bé nhất là:

1 + 2 + 3 + ... + 19 + 20 = 210 (kg).

Vì 210 kg > 180 kg nên chắc chắn phải có ít nhất 2 giỏ trong 20 giỏ có khối lượng bằng nhau. Vậy Trí đã nói đúng.

 

 

Bài 32: Hoàng mua 6 quyển vở, Hùng mua 3 quyển vở. Hai bạn góp số vở của mình với số vở của bạn Sơn, rồi chia đều cho nhau. Sơn tính rằng mình phải trả các bạn đúng 800 đồng. Tính giá tiền 1 quyển vở, biết rằng cả ba bạn đều mua cùng một loại vở.

 


Lời giải :

 

Vì Hoàng và Hùng góp số vở của mình với số vở của Sơn, rồi chia đều cho nhau, nên tổng số vở của ba bạn là một số chia hết cho 3. Số vở của Hoàng và Hùng đều chia hết cho 3 nên số vở của Sơn cũng là số chia hết cho 3.

Số vở của Sơn phải ít hơn 6 vì nếu số vở của Sơn bằng hoặc nhiều hơn số vở của Hoàng (6 quyển) thì sau khi góp vở lại chia đều Sơn sẽ không phải trả thêm 800 đồng. Số vở của Sơn khác 0 (Sơn phải có vở của mình thì mới góp chung với các bạn được chứ!), nhỏ hơn 6 và chia hết cho 3 nên Sơn có 3 quyển vở.

Số vở của mỗi bạn sau khi chia đều là: (6 + 3 + 3) : 3 = 4 (quyển)

Như vậy Sơn được các bạn đưa thêm: 4 - 3 = 1 (quyển)

Giá tiền một quyển vở là 800 đồng.

 


Bài 33 : Hãy điền các số từ 1 đến 9 vào các ô trống để được các phép tính đúng

 

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 33

 


Lời giải :

 

Đặt các chữ cái vào các ô trống:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 33 giải 1

 

Theo đầu bài ta có các chữ cái khác nhau biểu thị các số khác nhau. Do đó: a ≠ 1; c ≠ 1; d ≠ 1; b > 1; e > 1. Vì 9 = 1 x 9 = 3 x 3 nên b ≠ 9 và e ≠ 9; và 7 = 1 x 7 nên b ≠ 7 và e ≠ 7.

Do đó: b = 6 và e = 8 hoặc b = 8 và e = 6.

Vì 6 = 2 x 3 và 8 = 2 x 4 nên a = b : c = e : d = 2.

Trong các ô trống a, b, c, d, e đã có các số 2, 3, 4, 6, 8; do đó chỉ còn các số 1, 5, 7, 9 điền vào các ô trống g, h, i, k.

* Nếu e = 6 thì g = 7 và h = 1. Do đó a = i - k = 9 - 5 = 42 (loại).

* Nếu e = 8 thì g = 9 và h = 1. Do đó a = i - k = 7 - 5 = 2 (đúng). Khi đó: b = 6 và c = 3.

 

Kết quả:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 33 giải 2

 


 

Bài 34: Có 13 tấm bìa, mỗi tấm bìa được ghi một chữ số và xếp theo thứ tự sau:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 34

 

Không thay đổi thứ tự các tấm bìa, hãy đặt giữa chúng dấu các phép tính + , - , x và dấu ngoặc nếu cần, sao cho kết quả là 2002.

 


 

Lời giải :

 

Bài toán có rất nhiều cách đặt dấu phép tính và dấu ngoặc. Xin nêu một số cách:

Cách 1: (123 + 4 x 5) x (6 + 7 - 8 + 9 + 1 - 2 - 3 + 4) = 2002

Cách 2: (1 x 2 + 3 x 4) x (5 + 6) x [(7 + 8 + 9) - (1 + 2 x 3 + 4)] = 2002

Cách 3: (1 + 2 + 3 + 4 x 5) x (6 x 7 + 8 + 9 - 1 + 23 - 4) = 2002

 

Bài 35: Hai bạn Huy và Nam đi mua 18 gói bánh và 12 gói kẹo để đến lớp liên hoan. Huy đưa cho cô bán hàng 2 tờ 100000 đồng và được trả lại 72000 đồng. Nam nói: “Cô tính sai rồi”. Bạn hãy cho biết Nam nói đúng hay sai? Giải thích tại sao?

 

 

Lời giải :

 

Vì số 18 và số 12 đều chia hết cho 3, nên tổng số tiền mua 18 gói bánh và 12 gói kẹo phải là số chia hết cho 3.

Vì Huy đưa cho cô bán hàng 2 tờ 100000 đồng và được trả lại 72000 đồng, nên số tiền mua 18 gói bánh và 12 gói kẹo là:

100000 x 2 - 72000 = 128000 (đồng).

Vì số 128000 không chia hết cho 3, nên bạn Nam nói “Cô tính sai rồi” là đúng.

 

 

banner mathx lớp 5

 

 

Bài 36: Có hai cái đồng hồ cát 4 phút và 7 phút. Có thể dùng hai cái đồng hồ này để đo thời gian 9 phút được không?

 


Lời giải :

 

Ta có nhiều cách để đo được 9 phút:

Cách 1: Bạn có thể cho cả 2 cái đồng hồ cát cùng chảy một lúc và chảy hết cát 3 lần. Khi đồng hồ 4 phút chảy hết cát 3 lần (4 x 3 = 12(phút)) thì bạn bắt đầu tính thời gian, từ lúc đó đến khi đồng hồ 7 phút chảy hết cát 3 lần thì vừa đúng được 9 phút (7 x 3 - 12 = 9(phút));

Cách 2: Cho cả hai đồng hồ cùng chảy một lúc, đồng hồ 7 phút chảy hết cát một lần (7 phút), đồng hồ 4 phút chảy hết cát 4 lần (16 phút). Khi đồng hồ 7 phút chảy hết cát ta bắt đầu tính thời gian, từ lúc đó đến lúc đồng hồ 4 phút chảy hết cát 4 lần là vừa đúng 9 phút (16 - 7 = 9 (phút)); ...

 

 

Bài 37: Vui xuân mới, các bạn cùng làm phép toán sau, nhớ rằng các chữ cái khác nhau cần thay bằng các chữ số khác nhau, các chữ cái giống nhau thay bằng các chữ số giống nhau.

NHAM + NGO = 2002

 

 

Lời giải :

 

- Vì A≠G mà chữ số hàng chục của tổng là 0 nên phép cộng có nhớ 1 sang hàng trăm nên ở hàng trăm: H + N + 1 (nhớ) = 10; nhớ 1 sang hàng nghìn. Do đó H + N = 10 - 1 = 9.

- Phép cộng ở hàng nghìn: N + 1 (nhớ) = 2 nên N = 2 - 1 = 1.

Thay N = 1 ta có: H + 1 = 9 nên H = 9 - 1 = 8

- Phép cộng ở hàng đơn vị: Có 2 trường hợp xảy ra:

* Trường hợp 1: Phép cộng ở hàng đơn vị không nhớ sang hàng chục.

Khi đó: M + O = 0 và A + G = 10.

Ta có bảng: (Lưu ý 4 chữ M, O, A, G phải khác nhau và khác 1; 8)

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 37 giải 1

 

* Trường hợp 2: Phép cộng ở hàng đơn vị có nhớ 1 sang hàng chục.

Khi đó: M + O = 12 và A + G = 9. Ta có bảng:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 37 giải 2

 

Vậy bài toán có 24 đáp số như trên.

 

 

Bài 38: Hãy xếp 8 quân đôminô vào một hình vuông 4x4 sao cho tổng số chấm trên các hàng ngang, dọc, chéo của hình vuông đều bằng 11.

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 38

 


Lời giải :

 

Ta có ba cách giải cơ bản sau:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 38 giải 1

 

Từ ba cách giải cơ bản này ta có thể tạo nên nhiều phương án khác nữa, chẳng hạn:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 38 giải 2


 

 

Bài 39: Sử dụng các con số trong mỗi biển số xe ô tô 39A 0452, 38B 0088, 52N 8233 cùng các dấu +, -, x, : và dấu ngoặc ( ), [ ] để làm thành một phép tính đúng.

 

 

Lời giải :

 

* Biển số 39A 0452. Ta có một số cách sau:

(4 x 2 - 5 + 0) x 3 = 9

5 x 2 - 4 + 3 + 0 = 9

45 : 9 - 3 - 2 = 0

(9 + 2 - 3) x 5 = 40

(4 + 5) : 9 + 2 + 0 = 3

9 : 3 - ( 5 - 4 + 2) = 0

3 - 9 : (4 + 5) - 0 = 2

9 : (4 + 5) + 2 + 0 = 3

(9 + 5) : 2 - 4 + 0 = 3

9 + 3 : (5 - 2) + 0 = 4

5 + 2 - 9 : 3 - 0 = 4

(9 : 3 + 0) + 4 - 2 = 5

(9 + 3) : 4 + 0 + 2 = 5 . . . .

 

* Biển số 38B 0088. Có nhiều lời giải dựa vào tính chất “nhân một số với số 0”

38 x 88 x 0 = 0

hoặc tính chất “chia số 0 cho một số khác 0”

0 : (38 + 88) = 0

 

Một vài cách khác:

(9 - 8) + 0 - 8 : 8 = 0

8 : 8 + 8 + 0 + 0 = 9 . . . .

 

* Biển số 52N 8233. Ta có một số cách sau:

5 x 2 - 8 + 3 - 3 = 2

8 : (5 x 2 - 3 - 3) = 2

[(23 - 3) : 5] x 2 = 8

(5 + 2 + 2) - (3 : 3) = 8

(8 : 2 - 3) x (3 + 2) = 5

[(8 + 2) x 3 : 3] : 2 = 5

(5 x 2 + 3 + 3) : 2 = 8

3 x 3 - 5 + 2 + 2 = 8 . . . .

 

 

Bài 40: Một chiếc đồng hồ đang hoạt động bình thường, hiện tại kim giờ và kim phút đang không trùng nhau. Hỏi sau đúng 24 giờ (tức 1 ngày đêm), hai kim đó trùng nhau bao nhiêu lần? Hãy lập luận để làm đúng sáng tỏ kết qu đó.

 

Lời giải :

 

Với một chiếc đồng hồ đang hoạt động bình thường, cứ mỗi giờ trôi qua thì kim phút quay được một vòng, còn kim giờ quay được \(\dfrac {1}{12}\) vòng.

 

Hiệu vận tốc của kim phút và kim giờ là:

\(1 - \dfrac {1}{12} = \dfrac {11}{12}\) (vòng/giờ)

 

Thời gian để hai kim trùng nhau một lần là:

\(1 : \dfrac {11}{12} = \dfrac {12}{11}\) (giờ)

 

Vậy sau 24 giờ hai kim sẽ trùng nhau số lần là :

\(24 : \dfrac {12}{11} = 22\) (lần).

 

 

 

Banner trường toán mathx

 

 

 

Bài 41: Có ba người dùng chung một két tiền. Hỏi phải làm cho cái két ít nhất bao nhiêu ổ khoá và bao nhiêu chìa để két chỉ mở được nếu có mặt ít nhất hai người?

 

 

Lời giải :

 

Vì két chỉ mở được nếu có mặt ít nhất hai người, nên số ổ khoá phải lớn hơn hoặc bằng 2.

 

a) Làm 2 ổ khoá.

+ Nếu làm 3 chìa thì sẽ có hai người có cùng một loại chìa; hai người này không mở được két.

+ Nếu làm nhiều hơn 3 chìa thì ít nhất có một người cầm 2 chìa khác loại; chỉ cần một người này đã mở được két.

Vậy không thể làm 2 ổ khoá.

 

b) Làm 3 ổ khoá

+ Nếu làm 3 chìa thì cần phải có đủ ba người mới mở được két.

+ Nếu làm 4 chìa hoặc 5 chìa thì ít nhất có hai người không mở được két.

+ Nếu làm 6 chìa (mỗi khoá 2 chìa) thì mỗi người cầm hai chìa khác nhau thì chỉ cần hai người bất kỳ là mở được két.

Vậy ít nhất phải làm 3 ổ khoá và mỗi ổ khoá làm 2 chìa.

 

 

Bài 42 : Có 4 tấm gỗ dài và 4 tấm gỗ hình cung tròn. Nếu sắp xếp như hình bên thì được 4 chuồng nhốt 4 chú thỏ, nhưng 1 chú lại chưa có chuồng. Bạn hãy xếp lại các tấm gỗ để có đủ 5 chuồng cho mỗi chú thỏ có một chuồng riêng.

 

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 42

 

 

Lời giải :

 

Bài Toán này có nhiều cách làm, Mathx sẽ đưa ra cho các em sơ sơ 3 cách làm. Các e sắp xếp theo như hình vẽ bên dưới

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 42 giải

 

 

Bài 43: Một phân xưởng có 25 người. Hỏi rằng trong phân xưởng đó có thể có 20 người ít hơn 30 tuổi và 15 người nhiều hơn 20 tuổi được không?

 

 

Lời giải :

 

Vì chỉ có 25 người, mà trong đó có 20 ít hơn 30 tuổi và 15 người nhiều hơn 25 tuổi, nên số người được điểm 2 lần là:

(20 + 15) - 25 = 10 (người)

Đây chính là số người có độ tuổi ít hơn 30 tuổi và nhiều hơn 20 tuổi (từ 21 tuổi đến 29 tuổi).

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 43 giải

 

Số người từ 30 tuổi trở lên là:

25 - 20 = 5 (người)

Số người từ 20 tuổi trở xuống là:

25 - 15 = 10 (người)

Số người ít hơn 30 tuổi là:

10 + 10 = 20 (người)

Số người nhiều hơn 20 tuổi là:

10 + 5 = 15 (người)

Vậy có thể có 20 người dưới 30 tuổi và 15 người trên 20 tuổi; trong đó từ 21 đến 29 tuổi ít nhất có hai người cùng độ tuổi.

 

 

Bài 44: Tìm 4 số tự nhiên liên tiếp có tích là 3024

 

 

Lời giải :

 

Giả sử cả 4 số đều là 10 thì tích là 10 x 10 x 10 x 10 = 10000 mà 10000 > 3024 nên cả 4 số tự nhiên liên tiếp đó phải bé hơn 10.

Vì 3024 có tận cùng là 4 nên cả 4 số phải tìm không thể có tận cùng là 5. Do đó cả 4 số phải hoặc cùng bé hơn 5, hoặc cùng lớn hơn 5.

Nếu 4 số phải tìm là 1; 2; 3; 4 thì:

1 x 2 x 3 x 4 = 24 < 3024 (loại)

Nếu 4 số phải tìm là 6; 7; 8; 9 thì:

6 x 7 x 8 x 9 = 3024 (đúng)

Vậy 4 số phải tìm là 6; 7; 8; 9.

 

 

Bài 45: Có 3 loại que với số lượng và các độ dài như sau: 16 que có độ dài 1 cm - 20 que có độ dài 2 cm - 25 que có độ dài 3 cm. Hỏi có thể xếp tất cả các que đó thành một hình chữ nhật được không?

 

 

Lời giải :

 

Một hình chữ nhật có chiều dài (a) và chiều rộng (b) đều là số tự nhiên (cùng một đơn vị đo) thì chu vi (P) của hình đó phải là số chẵn:

P = (a + b) x 2

Tổng độ dài của tất cả các que là:

1 x 16 + 2 x 20 + 3 x 25 = 131 (cm)

Vì 131 là số lẻ nên không thể xếp tất cả các que đó thành một hình chữ nhật được.

 

 

Bài 46: Hãy phát hiện ra mối liên hệ giữa các số rồi sử dụng mối liên hệ đó để điền số hợp lý vào (?)

 

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 46

 

 

Lời giải : 

 

Để cho gọn, ta ký hiệu các số trên những ô tròn theo bảng sau:

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 46 giải

 

Lấy A chia cho K: 72 : 9 = 8

Lấy G chia cho C: 8 : 1 = 8

Lấy B chia cho H: 16 : 2 = 8

Lấy E chia cho D: 24 : 3 = 8

Ta thấy kết quả ở ô "Đ" đều bằng 8. Vậy (?) là 8.

 

 

Bài 47: Cô giáo yêu cầu: “Các con lấy 6 điểm trên một đường tròn, nối các điểm đó bởi các đoạn thẳng tô bởi mực xanh hoặc mực đỏ”. Bạn lớp trưởng tập hợp các hình vẽ lại và xem, bạn thốt lên: “Bạn nào cũng vẽ được 1 tam giác mà 3 cạnh cùng màu mực”! Bạn hãy thử làm lại xem. Ai có thể lập luận để làm rõ tính chất này?

 

 

Lời giải : 

 

Bài toán này ta cũng  có nhiều cách giải, đây là một trong các cách giải bài này: Ta gọi 6 điểm nằm trên đường tròn là A1, A2, A3, A4, A5, A6. Bằng bút xanh và đỏ ta nối A1 với 5 điểm còn lại ta được 5 đoạn thẳng có hai màu xanh hoặc đỏ.

 

mathx toán bồi dưỡng ôn thi học sinh giỏi lớp 5 bài 47 giải

 

Theo nguyên lý Điríchlê có ít nhất 3 đoạn thẳng cùng màu.

Không làm mất tính tổng quát, ta nối 3 đoạn A1A2, A1A3, A1A4 bằng bút màu đỏ.

Ta nối tiếp A2A4 và A2A3.

Để tam giác A1A2A3 và tam giác A1A2A4 có 3 cạnh không cùng màu thì A2A4 và A2A3 phải tô màu xanh.

Bây giờ ta tiếp tục nối A3A4, ta thấy A3A4 được tô bằng bất kỳ màu xanh hoặc đỏ thì ta cũng được ít nhất một tam giác có 3 cạnh cùng màu (hoặc A1A3A4 có 3 cạnh đỏ hoặc A2A3A4 có 3 cạnh màu xanh).

 

 

Bài 48: Thi bắn súng: Hôm nay Dũng đi thi bắn súng. Dũng bắn giỏi lắm, Dũng đã bắn hơn 11 viên, viên nào cũng trúng bia và đều trúng các vòng 8;9;10 điểm. Kết thúc cuộc thi, Dũng được 100 điểm. Dũng vui lắm. Còn các bạn có biết Dũng đã bắn bao nhiêu viên và kết quả bắn vào các vòng ra sao không?

 

 

Lời giải : 

 

Số viên đạn Dũng đã bắn phải ít hơn 13 viên (vì nếu Dũng bắn 13 viên thì Dũng được số điểm ít nhất là: 8 x 11 + 9 x 1 + 10 x 1 = 107 (điểm) > 100 điểm, điều này vô lý).

Theo đề bài Dũng đã bắn hơn 11 viên nên số viên đạn Dũng đã bắn là 12 viên.

Mặt khác 12 viên đều trúng vào các vòng 8, 9, 10 điểm nên ít nhất có 10 viên vào vòng 8 điểm, 1 viên vào vòng 9 điểm, 1 viên vào vòng 10 điểm.

Do đó số điểm Dũng bắn được ít nhất là:

8 x 10 + 9 x 1 + 10 x 1 = 99 (điểm)

Số điểm hụt đi so với thực tế là:

100 - 99 = 1 (điểm)

Như vậy sẽ có 1 viên không bắn vào vòng 8 điểm mà bắn vào vòng 9 điểm; hoặc có 1 viên không bắn vào vòng 9 điểm mà bắn vào vòng 10 điểm.

Nếu có 1 viên Dũng không bắn vào vòng 9 điểm mà bắn vào vòng 10 điểm thì tổng cộng sẽ có 10 viên vào vòng 8 điểm và 2 viên vào vòng 10 điểm (loại vì không có viên nào bắn vào vòng 9 điểm).

Vậy sẽ có 1 viên không bắn vào vòng 8 điểm mà bắn vào vòng 9 điểm, tức là có 9 viên vào vòng 8 điểm, 2 viên vào vòng 9 điểm và 1 viên vào vòng 10 điểm.

 

 

Bài 49: Ai xem ca nhạc? Một gia đình có năm người: bà nội, bố, mẹ và hai bạn Chi, Bảo. Một hôm gia đình được tặng 2 vé mời xem ca nhạc. Năm ý kiến của năm người như sau:

a) “Bà nội và mẹ đi”

b) “Bố và mẹ đi”

c) “Bố và bà nội đi”

d) “Bà nội và Chi đi”

e) “Bố và Bảo đi”

Sau cùng, mọi người theo ý kiến của bà nội và như vậy trong ý kiến của mọi người khác đều có một phần đúng.

Bà nội đã nói câu nào?

 

 

Lời giải : 

 

Đây là một bài toán lôgíc cơ bản và khó.

Ta ký hiệu theo thứ tự “đi xem” ca nhạc: n (Bà nội), m (mẹ), b (Bố), C (Chi) và B (Bảo) và năm người trên khi họ “không đi” là n, m, b, C và B.

Như vậy theo ý kiến của năm người là:

a) n và m

b) b và m

c) b và n

d) n và C

e) b và B.

Cần phải nhấn mạnh rằng: Mỗi trong năm ý trên đều có một phần đúng và một phần sai (trừ ý của bà!).

Câu mà bà nội nói là đúng với cả năm ý trên.

- Nếu chọn câu a) thì không có e tức b và B.

- Nếu chọn câu b) thì không có d tức n và C.

- Nếu chọn câu c) thì các ý kiến khác có một phần đúng. Bà nội đã nói câu c)

 

 

Bài 50: Chơi bốc diêm: Trên mặt bàn có 18 que diêm. Hai người tham gia cuộc chơi: Mỗi người lần lượt đến phiên mình lấy ra một số que diêm. Mỗi lần, mỗi người lấy ra không quá 4 que. Người nào lấy được số que cuối cùng thì người đó thắng. Nếu bạn được bốc trước, bạn có chắc chắn thắng được không?

 

 

Lời giải : 

 

Giả sử rằng A và B tham gia cuộc chơi mà A lấy diêm trước.

Để chắc thắng thì trước lần cuối cùng A phải để lại 5 que diêm, trước đó A phải để lại 10 que diêm và lần bốc đầu tiên A để lại 15 que diêm, khi đó dù B có bốc bao nhiêu que thì vẫn còn lại số que để A chỉ cần bốc một lần là hết.

Muốn vậy thì lần trước đó A phải để lại 10 que diêm , khi đó dù B bốc bao nhiêu que vẫn còn lại số que mà A có thể bốc để còn lại 5 que .

Tương tự như thế thì lần bốc đầu tiên A phải để lại 15 que diêm . Với " chiến lược" này bao giờ A cũng là người thắng cuộc.

 

 

Trên đây là toàn bộ nội dung về chủ đề các bài toán chọn lọc ôn thi học sinh giỏi lớp 5. Phụ huynh và các em học sinh tham khảo thêm một số nội dung về toán lớp 5 tại đây:

 

TÓM TẮT TỔNG HỢP KIẾN THỨC HÌNH HỌC - TOÁN LỚP 5

10 DẠNG TOÁN VỀ DÃY SỐ VÀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI (PHẦN 1) - TOÁN LỚP 5

ĐÁP ÁN - ĐỀ GIAO LƯU TOÁN TUỔI THƠ LỚP 5 - CẤP THÀNH PHỐ 2024 - MATHX

 

 

HỆ THỐNG CHƯƠNG TRÌNH HỌC CỦA MATHX

 

  • Khóa học ôn thi cấp 2 (0912.698.216): - Xem ngay
  • Lớp học toán trực tuyến cùng giáo viên giỏi (0866.162.019): - Xem ngay
  • Lớp học toán offline (học trực tiếp) tại Hà Nội (0984.886.277): - Xem ngay

Bài viết liên quan