Việc cho trẻ sớm tiếp cận với Toán học ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ rèn luyện trí nhớ, khả năng tư duy và trí thông minh.
Nếu bạn vẫn đang boăn khoăn về phương pháp dạy trẻ thì đừng bỏ qua những thông tin dưới đây.
Toán là môn học có khả năng rèn luyện khả năng tư duy cho trẻ tốt nhất. Chỉ cần con có khả năng tư duy và trí thông minh, các môn học khác sau này con đều có thể dễ dàng vượt qua!
Trên thực tế, cha mẹ không nhất thiết phải dựa vào độ tuổi của con để cho con làm quen với Toán học mà hãy dựa vào sở thích của trẻ. Khi bạn bắt đầu thấy con đếm các số một cách tự nhiên, hay hỏi số lượng các đồ vật…. đó là lúc con nhạy cảm với các con số và là thời điểm con có thể học Toán. Thường thì từ 3 tuổi trẻ đã bắt đầu có sự nhạy cảm với toán học rồi.
Việc dạy con học Toán sớm sẽ rất hiệu quả nếu cha mẹ áp dụng đúng phương pháp. Việc dạy trẻ 3- 4 tuổi học Toán, cách thức sẽ khác hẳn với độ tuổi tiểu học. Ở tuổi này nên dạy con ở dạng làm quen, nhận biết, phân biệt chứ không phải là cố gắng gò ép con làm các phép toán cộng, trừ khô khan. Điều quan trọng bây giờ là thực hành với những con số nhỏ mà trẻ có thể ghi nhớ được. Ví dụ: “Con thích có bốn hay sáu cái bánh quy?”.
Thước đo chiều dài là một dụng cụ trực quan để giúp trẻ thấy mười lớn hơn bốn như thế nào. Cho bé luyện tập việc ước lượng thật nhiều. Đo và đếm những phép tính bình thường trong bữa ăn hoặc khi chơi. Bạn có thể mua cho bé bộ que tính để bé dễ dàng phân biệt giữa các số.
Trẻ 4 tuổi có thể đếm được từ 1 tới 10 hoặc nhiều hơn, nhưng đôi khi chúng đếm không đúng thứ tự. Điều đó là bình thường. Những đứa trẻ có khả năng đếm liền mạch từ 1 tới 20 hoặc lớn hơn nữa, đó là những đứa trẻ có trí nhớ vượt trội. Học toán không chỉ đơn thuần là các con số mà còn là các phép so sánh lớn hơn, nhỏ hơn, cao hơn, thấp hơn, to hơn, bé hơn….
Việc dạy con học Toán sớm sẽ rất hiệu quả nếu cha mẹ áp dụng đúng phương pháp.
Vì vậy, cha mẹ có thể áp dụng những cách sau vào việc giúp con học môn Toán:
Dạy con tập đếm: Thoạt đầu, phụ huynh có thể giúp bé học thuộc lòng, nhận biết được các con số từ 1 đến 10. Sau đó, hãy khuyến khích bé đếm số lượng các đồ vật trong nhà, các ngón tay là cách học đếm gần gũi nhất. Phụ huynh có nâng dần các con số lên tới hàng chục nếu bé đã thuộc hết từ 1 đến 10.
Nhận biết khái niệm về “tổng”: Khi cho bé đếm số lượng các con vật bé có, mẹ hỏi vậy con có tất cả mấy con vật, bé sẽ không trả lời được. Vì vậy, cha mẹ cần cho con làm quen với khái niệm tổng vài lần để con quen dầu. Mỗi khi đếm xong mẹ hãy hỏi “vậy tất cả có bao nhiêu con vật/đồ vật…?”
Nếu muốn dạy trẻ cộng và trừ một cách linh hoạt, đơn giản, phụ huynh nên gắn những con số vào các đồ vật thực tế trước mặt trẻ cùng những câu chuyện để trẻ có những tưởng tượng lý thú. Ví dụ: mẹ đi chợ về mua cho bạn thỏ 3 cái kẹo. Bố thấy bạn thỏ rất ngoan nên đã thưởng cho bạn thỏ 2 cái kẹo. Vậy tất cả bạn thỏ có mấy cái kẹo. Mẹ cũng có thể dùng những chiếc kẹo để dạy con. Vì con chưa có khả năng tính nhẩm, ước lượng nên mẹ để con đếm các hiện vật, dần dần con sẽ tự học được cách ước lượng và tính nhẩm.
Phân loại đối tượng: Để giúp bé tăng khả năng nhận biết các đồ vật đồng dạng hoặc có cùng đặc tính, mẹ nên hướng cho bé các trò chơi như sắp xếp các bút chì cùng màu vào cùng một nhóm hoặc xếp các miếng ghép hình có cùng hình khối vào một nhóm. Thông thường các bé cũng khá hứng thú với trò chơi này.
So sánh đối tượng: Hãy cho bé so sánh các đồ vật có sự chênh lệch lớn ở trong nhà để học nhé.
Dạy con ước tính: Đây là một bài toán khá khó đối với trẻ, nhưng để kích thích khả năng phán đoán của con thì mẹ đừng ngần ngại hỏi trẻ: “Con có đoán được trong tay mẹ có bao nhiêu chiếc kẹo không?” hay “Đố con biết có bao nhiêu con búp bê trong tủ đồ trưng bày ở siêu thị?”. Ban đầu, bé có thể đưa ra những con số không tưởng, nhưng mẹ đừng cười bé mà hãy cùng trẻ khám phá ra con số thực và lặp lại câu hỏi này trong những hoàn cảnh tương tự để bé dần đưa ra những đáp án đúng nhất.
Dạy bé cách đo lường: Đây là một dạng “bài toán nâng cao” cho các bé mà mẹ đừng bỏ qua đó là hướng dẫn con làm quen với các cách thức đo lường với 1 cây thước kẻ hoặc một chiếc cốc có đánh dấu thể tích nước.
Tuy nhiên, cha mẹ cần quan sát khả năng tiếp thu, cũng như sự hứng thú của trẻ để hướng dẫn cho phù hợp nhất.