3 Câu chuyện mà Mathx muốn dành tặng cho các em học sinh.
Trong một ngôi làng nọ, người dân chuyên sống bằng nghề trồng bắp. Có một bác nông dân nhờ biết áp dụng khoa học kĩ thuật nên cuối mùa đã bội thu với những trái bắp chất lượng. Trong khi đó, những người nông dân trong làng, vì không nắm được kĩ thuật nên bắp bị sâu rầy mất mùa, đói kém. Và rồi mùa vụ năm ấy, bác nông dân kia một mình một chợ tha hồ giàu to. Thế nhưng đầu mùa sau, người ta lại thấy bác nông dân kia đem những hạt giống tốt tặng những người hàng xóm và còn rất vui vẻ bày cho họ cách chăm sóc ruộng bắp để năng suất như của mình. Ngạc nhiên trước việc làm của bác, một phóng viên đã hỏi bác:
- Sao ông lại cho láng giềng những hạt bắp giống tốt nhất của mình như vậy, trong khi họ cũng tham gia cạnh tranh với ông ?
Ồ ! người nông dân trả lời:
- Anh không biết rằng những luồng gió thổi những hạt phấn hoa từ những cây bắp này sang những cây bắp khác sao? nếu láng giềng tôi trồng toàn những cây bắp kém chất lượng thì sự thụ phấn có thể khiến những cây bắp của tôi cũng sản sinh ra những trái bắp kém chất lượng. Do đó nếu muốn có những trái bắp tươi tốt, tôi phải giúp những người hàng xóm tôi có những trái bắp tươi tốt. Lý do chỉ là đơn giản vậy thôi.
Ở Palextin, có hai biển hồ cùng lấy nước từ một nguồn là sông Giócđan. Nhưng sự khác biệt giữa 2 biển hồ này rất lớn. Ở biển hồ thứ nhất, nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, không một sinh vật nào có thể sống sót được, nó được gọi với cái tên là biển hồ chết, sở dĩ như vậy là vì nó nhận nước rồi giữ lấy cho riêng mình chẳng trao đổi cho sông hồ nào cả. Còn biển hồ thứ hai, có tên gọi là biển hồ Galile nước trong xanh, cá tôm đầy ắp, sinh vật xanh tươi. Bởi vì nó nhận nước rồi lại chia đều cho nhiều hồ và sông khác.
Trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp, trên Việt Bắc, ăn cơm cùng với các chiến sĩ bảo vệ, anh nuôi, bao giờ Bác cũng chia đều thức ăn cho cả mâm. Chị Minh Phương giúp việc chăm sóc sức khỏe Bác bày ra cái mẹo ninh gà nhừ, ít nước đặc để riêng cho Bác. Bác biết ý, nói vui: “Thế là khôn ăn cái, dại ăn nước”. Rồi Bác cũng lấy thìa san cho đủ người trong bữa ăn.
Một lần, Văn phòng Chủ tịch nước nhận được một miếng cao đặc mật ong của lãnh đạo nước bạn tặng. Anh em đưa lên Bác để “dùng cho khỏe”. Bác cho gọi đồng chí cấp dưỡng lên, nói: “Chú đem miếng cao này xuống bếp, bỏ vào nồi, đong đủ 24 bát nước, có ít gạo tẻ, gạo nếp càng tốt, đun lên, chia đều cho 24 người của Văn phòng”. Bác cũng chỉ nhận một trong 24 suất ấy. Đồng chí cấp dưỡng tần ngần chưa chịu đi. Bác cười nói: “Làm đi chứ. “Lộc bất tận hưởng” mà chú!”.
Bác Hồ vẫn luôn là tấm gương sáng đối với mỗi thế hệ, từ cha ông cho đến muôn đời sau. Hành động của Người là sự san sẻ trên tinh thần yêu thương lẫn nhau, đồng thời hàm ý thể hiện sự bình đẳng, công bằng. Đây mới là điểm đặc sắc của Hồ Chủ tịch và gần như nhất quán trong tư tưởng, hành động của Người. Hạnh phúc không phải chỉ là nhận lấy mà còn là biết cho đi. Người hạnh phúc nhất ở trên đời là người biết đem đến cho người khác nhiều hạnh phúc nhất.
Hãy cùng trao đi giá trị yêu thương để cũng được yêu thương các em nhé!
Nguồn: Sưu tầm
MathX.vn – THÍCH HỌC TOÁN
+50.000 phụ huynh và học sinh đặc biệt yêu thích