Kể về con đường đến với môn Toán, GS Châu cho biết, ban đầu chọn học chuyên Toán là do sức ép từ gia đình, nhưng sau đó càng đi sâu, ông càng thích thú với môn học này.
GS Ngô Bảo Châu kể về việc học thời cấp 2: “Vào năm lớp 6 tôi không được giỏi lắm. Trước đó, tôi học trường thực nghiệm và bố mẹ muốn đưa tôi ra học trường khác. Thú thực, lúc đó, tôi học hơi đặc biệt, biết mỗi thứ một ít và tự tin, vui vẻ, khám phá".
Ông cho biết khi lên cấp hai, ông thi vào chuyên Toán thì bị trượt. Ông nói không biết mình có giỏi hay không nhưng lúc nào cũng cực kỳ “máu”, càng học càng cảm thấy mình kém, càng học càng thấy... sướng.
"Lúc học lớp 6, ngoài việc đi học thêm, tôi có vài quyển sách. Lúc đầu không làm được bài nào cả, tôi ức ghê lắm. Một bài toán trông rất đơn giản nhưng một tiếng cũng giải không được, hai tiếng cũng không được. Đến lúc nản quá, phải len lén mở trang cuối xem lời giải thế nào”, GS Ngô Bảo Châu nhớ lại.
GS Châu cũng chia sẻ thêm, mỗi lần trải qua cảm giác khó chịu, bứt rứt vì không giải được bài giúp ông học giỏi hơn. Ông nhớ có lần một người bạn cho 3 cuốn sách. Cuốn đầu tiên là “Định lý hình học và các biện pháp chứng minh”, ông phải chiến đấu đến 6 tháng trời mới làm hết quyển đó. Mỗi lần cố làm không được, ông lại lén xem bài giải.
Sau cuốn đó, hai cuốn còn lại là “Dựng hình” được ông đọc trong vòng 2 tuần và cuốn cuối cùng thì trong 1 tuần là xong.
“Như vậy, sau khi tự luyện một cách nghiêm túc, luôn cảm thấy mình dốt thật thì tôi mới tiến bộ được. Nhờ lúc nào cũng có sự nhiệt huyết như vậy nên lên lớp 7, lớp 8, tôi đã học tốt tất cả các môn, trong khi trước đó, năm lớp 6 và lớp 7 tôi đã rất vất vả”, GS Châu kể.
Nói về tình yêu Toán học, GS Châu cho hay, trải qua 2.400 năm lịch sử, con người luôn cố đi tìm định nghĩa về tình yêu, nhưng dường như vẫn chưa thể tìm ra nhưng biểu hiện của nó thì dễ dàng nhận thấy.
“Những biểu hiện của tình yêu như gặp thì vui mà không gặp thì nhớ nhung buồn bã, điều này giống hệt với yêu Toán. Trong 2 tháng trở về Việt Nam, do công việc bận bịu, ít thời gian làm Toán, tôi cảm thấy nhớ Toán kinh khủng. Còn khi được làm Toán, cảm giác giống như được gặp lại người yêu, người bạn cũ rất thân thiết mà mình nhớ bấy lâu”, ông nói.
GS chia sẻ vui: “Những lúc các bạn thấy tôi khó chịu hoặc kém dễ thương nghĩa là lúc đó tôi lâu không được làm Toán. Và nếu đẩy sự mong muốn này lên quá cao thì nhiều lúc có cảm giác muốn đánh nhau”.
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ tình yêu, sự đam mê là điều quan trọng để học tốt môn Toán cũng như bất kỳ công việc nào khác trong cuộc sống.
Ngoài ra, học tốt môn Toán cần chú ý đến việc hệ thống hóa kiến thức. Khi làm một bài toán cần nhanh chóng tư duy xem bài đó thuộc dạng nào từng làm để tìm ra cách giải.
Hơn thế, muốn học tốt môn Toán, GS Châu khuyên các bạn trẻ cần học cách khắc nghiệt với bản thân trong việc làm Toán. Trong trường hợp chưa tìm ra lời giải thì vẫn phải cố gắng tìm ra bằng được. Ngay cả khi đã có lời giải cũng không nên bằng lòng với điều đó, mà phải tiếp tục tìm hiểu những cách giải mới.
GS Châu cho rằng sai lầm lớn trong việc học Toán là học quá nhiều. Chỉ nên học ít, nhưng hiểu thật sâu và nắm thật chắc bản chất của vấn đề.
Theo GS Ngô Bảo Châu, Toán học là nền tảng để phát triển tư duy. “Không phải bất cứ đứa trẻ nào sinh ra cũng có một tư duy mạch lạc ngay từ đầu, mà nó được bồi đắp và phát triển qua quá trình giáo dục. Việc học các nguyên lý, định lý, công thức tính toán giúp hình thành nên tư duy mạch lạc, rõ ràng, logic”.
GS Châu cho rằng việc học Toán đem đến một khả năng phát triển tư duy trên ba khía cạnh. Thứ nhất là khả năng diễn đạt, xây dựng ngôn ngữ. Thứ hai là sự logic và cuối cùng là khả năng tính toán nhanh nhạy.
Từ nhận định rằng việc học Toán cũng giúp phát triển khả năng diễn đạt ngôn ngữ một cách logic, hợp lý của GS Ngô Bảo Châu. Câu hỏi đặt ra đang được rất nhiều người quan tâm là liệu rằng việc Bộ GD&ĐT đưa ra dự thi THPT trong đó môn Toán được thi theo hình thức trắc nghiệm có làm mất đi cái hay của môn Toán và có đánh giá được đúng năng lực của học sinh?
Trả lời về vấn đề này, GS Châu cho hay: “Thực ra, từ xưa đến nay, việc thi Toán ở Việt Nam hoặc nhiều nước chủ yếu vẫn là thi viết, có tính toán, có một chút chứng minh dù không nhiều lắm. Tuy nhiên, gần đây xu thế một số nước như Mỹ, đã thi Toán bằng phương pháp trắc nghiệm. Tôi nghĩ cần có những xem xét kỹ càng và thấu đáo hơn trước khi phát biểu về vấn đề này”.