Thời bao cấp ngày xưa, chỉ có hai kỹ năng là Toán và Văn được coi trọng. Sau này, người ta thường cho thế là học lệch. Thực ra, giáo dục Việt Nam tuy nhồi sọ, nhưng rất nghèo nàn kiến thức mà chỉ mới dừng ở mức rèn luyện kỹ năng. Nếu nói về kỹ năng thì con người ta chỉ cần kỹ năng phân tích (Toán) và Đọc, Viết, Nói (Văn). Tiếc thay, dạy toán ở Việt Nam chưa cho phép rèn được cho lớp trẻ năng lực phân tích hiện đại vì thiếu thực tế. Chuyện đó sẽ bàn vào dịp khác. Riêng về môn Văn, không hề dạy cho trẻ biết cách đọc, viết, nói cho chuẩn. Như vậy có thể xem như môn văn thất bại cả về phương diện tri thức và phương diện rèn kỹ năng. Tốt nghiệp phổ thông trẻ chỉ nắm được một số lập ngôn sáo mòn, dùng để ngụy biện, chụp mũ thì thừa khả năng, nhưng để lập thuyết, giao lưu tư tưởng thì toàn là "vịt nghe sấm". Đơn giản nhất là khâu hỏi đường: cách chỉ đường ở Việt Nam vừa rắm rối, khó hiểu và sai nghĩa. Nếu bạn là sếp, sau khi giao mệnh lệnh rõ ràng, đủ thông tin, cấp dưới gật gù như hiểu rõ mà bạn tin là mệnh lệnh sẽ được thực hiện như bạn nghĩ, thì đó là một sai lầm vô cùng to lớn. Dù bạn nói rõ ràng thế nào, việc làm có dễ thế nào, nhưng nhân viên bạn không nghĩ méo đi mới là chuyện lạ. Văn bản pháp quy, chính sách, nghị quyết thì tù mù, hiểu thế nào cũng được. Túm lại là người Việt học văn để làm tiểu xảo câu chữ, chứ chưa hề biết đọc, viết và nói. Ở các lớp trên, trong trường đại học cũng không hề dạy học đọc viết nói.
Chúng ta thường nghe học sinh nói "đề ra như thế không biết viết gì", "con nghĩ được nhưng không nói được". Tất cả đều có nguyên nhân ở đọc chưa đủ. Sách giáo khoa thường viết theo lối "mì ăn liền", tóm lược để học thuộc, để thi, chứ không có liên hệ thực tế, sách tham khảo thì hiếm, nếu không muốn nói là không có. Dạy và học ở trường học phổ thông cũng như đại học không dựa trên việc đọc, chưa bàn tới viết và nói.
Du học sinh Việt Nam (đặc biệt là đi Mỹ) thường bị choáng về khối lượng đọc quá lớn. Chưa nói tới việc phải phân tích, viết, riêng số lượng hàng chục trang mỗi ngày (có khi tới hàng trăm), chỉ đọc không cũng không kịp. Đối phó lâu ngày sẽ sinh ra lỗ hổng về kiến thức, do đó học sinh Việt Nam thường có điểm số không tồi, nhưng kiến thức thiếu, sau vài năm ra nghề sẽ bộc lộ rõ. Khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam không đến nỗi quá kém so với học sinh nước ngoài, nhưng sau vài năm sẽ ngày càng đuối, đặc biệt trong những ngành xã hội, kinh tế hoặc công nghệ cần nhiều thực tế và giao tiếp.
Tôi có một mô hình lý thuyết về đọc viết nói cho các học sinh ở bậc Thạc sĩ, nhưng đã giúp một số học sinh trung học phổ thông khá thành công gọi là mô hình 3-7. Khẩu quyết là như sau " 3: lý tưởng, 4: đẹp, 5: tốt, 6: khá, 7: tạm được, 8: không bao giờ". Trước hết áp dụng cho các học sinh lớp dưới (5-8) và các thạc sĩ làm đồ án hoặc xây dựng dự án: Khi có một đầu bài, dựa trên các từ khóa, phải xây dựng một luận điểm trung tâm. Từ đó sẽ phân tích luận điểm đó thành 3-7 thành phần, theo khẩu quyết trên. Nếu thành phần nào đã nằm trong kiến thức của ta thì tô màu trắng, còn lại tô đen. Sau đó mỗi thành phần, ta lại phân tích thành 3-7 thành phần nhỏ hơn. Cứ tiếp tục, ta sẽ có một cái cây. Khi viết vài nói, chỉ cần lần lượt đi từ gốc rồi theo các nhánh, đến các lá, đừng quên trở lại điểm gốc, viết một hai câu tổng kết, sau khi đi hết một nhánh. Như vậy, với một vấn đề, tùy theo thời gian và điều kiện, có thể nói hay viết 3 phút, 15 phút, vài giờ, hoặc viết cả cuốn sách hoặc một thư viện cũng được huống hồ 4 hay 12 trang viết. Một đề bài chán ngắt như "lòng yêu nước trong thơ Tố Hữu" cũng hóa thành một đề tài có thể viết rất hay và rất nhiều, vì ngay cả những vấn đề tưởng như chẳng liên quan như "tham nhũng" cũng có thể bê vào với một phân tích hợp lý và các mối liên kết được chỉ rõ.
Đọc sẽ rất nhanh nếu người đọc hiểu rõ kỹ thuật viết. Thực ra, một chương sách, hoặc một quyển sách, thậm chí cả một ngành khoa học, thông điệp cũng không có nhiều. Những người viết sẽ thấy rằng, với một nội dung rất đơn giản ngắn gọn, nhưng theo các template phải mào đầu mào đuôi, giải trình, phân tích, thuyết phục, liên hệ nên sách cứ phải dài ra. Nếu nắm vững được bí quyết đó, đọc chính là xếp lại các ý tưởng vào cây 3-7 nói trên. Để đọc một tác phẩm và khai thác được hết ý nghĩa của nó, cũng có thể kéo dài cây 3-7 ra hàng km để có một trời tri thức (có khi vượt cả tác giả, tùy theo năng lực phân tích và tri thức của người đọc). Tuy nhiên, nếu có thời gian hạn hẹp, có thể chia ra một số vòng đọc. Lần thứ nhất, cố gắng xếp toàn bộ cuốn sách vào một cây 3-7 đơn giản và ít tầng thôi (chẳng hạn 3 tầng là đã có tới 100-200 lá). Sau đó, sẽ quyết định đọc lần 2 tập trung vào một số lá để đọc kỹ và phân tích sâu hơn ở một số lá còn đen. Thời gian có 1 tiếng sẽ phân tích ở mức 1 tiếng, 1 ngày phân tích ở mức 1 ngày, có 2 tháng hoặc 10 năm sẽ phân tích ở mức phù hợp.
Với các học sinh trung học, tôi đã giúp một số cháu trở nên khá hoặc không sợ môn Văn chỉ trong vòng 15 phút. Các sinh viên cao học của tôi đều biết phương pháp 3-7. Tôi rất muốn thử dạy các cháu từ cấp 1 bằng phương pháp này. Thí dụ đọc Dế mèn phiêu lưu ký bằng phương pháp note 3-7 để tạo ra một cái cây đơn giản. Sau đó từ cây, các cháu sẽ viết lại câu chuyện theo ý của mình.
Viết, nói và đọc là liên quan với nhau. Đọc nhiều, sắp xếp ngăn nắp sẽ viết và nói tốt (tất nhiên trừ những người khuyết tật ở các cơ quan liên quan đến nói viết. Nếu bạn đã đọc có đủ kiến thức 10 mà chỉ cần nói 1, chắc chắn sẽ hay và tự tin. Có thể có người nói cách phân tích 3-7 quá khoa học sẽ không gây cảm hứng viết, nói, đọc. Thực ra mọi vấn đề đều do thói quen, mất cảm hứng là do người ta còn lúng túng với vấn đề kỹ thuật, khi đã không còn bị phụ thuộc vào kỹ thuật, kỹ thuật đã thành bản năng, nếu quả có cảm hứng thì cảm hứng sẽ đến. Tôi còn nhớ đa số nhà văn đều phải viết bằng bút thì mới thấy cảm hứng, riêng cha tôi dùng máy chữ, ông nói dùng máy chữ quen rồi thấy lại cảm hứng tốt hơn. Tôi cũng vậy, trước đây đọc sách là phải dùng sách cứng, đến nay thấy đọc trên máy tính thấy thích hơn. Gõ bản thảo cũng thích hơn dùng bút viết.
(Nguồn: diendantoanhoc.net)