Cứ tối đến hàng xóm lại nghe tiếng chị Đức (La Thành, Hà Nội) hò hét giục con học bài. Thằng bé 7 tuổi cứ ngồi lì ra, như không nghe thấy tiếng mẹ.
“Bực lắm, mình nói mà nó cứ như điếc. Hôm nào tiến bộ thì nó mặc cả, cho con xem TV đến 8h rồi học bài”, chị Đức chia sẻ.
Cũng giống như chị Đức, chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) ngày nào cũng phải ngọt nhạt dụ con vào bàn. Con học, mẹ cũng học. Khi nào con học xong thì mẹ mới đứng dậy khỏi bàn. Nếu mẹ có việc chạy ra ngoài phòng nghe điện thoại, bé Na (8 tuổi) cũng tạm nghỉ thư giãn, khi nào mẹ vào mới quay lại học. “Khổ lắm, không biết làm thế nào. Ngày xưa mình tự học, bố mẹ chẳng phải giục giã hay kiểm tra. Bây giờ trẻ con học sao khó thế, chẳng tập trung gì cả. Trông con học xong là hết buổi tối, chẳng làm được việc gì hết”, chị Minh than thở.
Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phòng khám tâm lý Cây Thông Xanh (Trung tâm nghiên cứu, Đào tạo và phát triển cộng đồng), lo lắng không biết làm thế nào để con tự giác học tập là tình trạng chung của nhiều cha mẹ. Chính phụ huynh ngay từ những ngày đầu con đi học, đã tạo tiền lệ “làm hộ con”: Soạn sách vở hộ con, nhắc con đi học, ngồi học hộ con, lâu dần hình thành thói quen chỉ khi có cha mẹ bên cạnh trẻ mới tập trung được. Thói quen này khiến cho trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập khi lên cấp 2 và cấp 3.
Nhà tâm lý cho rằng giúp con tự giác học tập là một nghệ thuật, cha mẹ cần áp dụng sớm, ngay từ khi trẻ vào lớp một. Dưới đây là một số cách thức chị Hằng (Ngọc Khánh, Hà Nội) đã áp dụng thành công với 2 cậu con trai theo tư vấn từ chuyên gia tâm lý:
Ngay trong ngày đầu tiên của năm học lớp 1, chị Hằng và cu Bi đã cùng thống nhất con sẽ tự soạn sách vở hàng ngày. Vì cu cậu chưa biết chữ, mẹ Hằng cắt hình tròn màu vàng dán vào tập môn toán, màu xanh vào môn tiếng Việt và màu đỏ vào tiếng Anh. Cứ nhìn vào màu, cu Bi biết mai học môn gì và tự cho sách vở vào cặp. Chỉ sau một tuần, cu Bi đã rất thành thạo.
Đây là trò chơi cậu con lớn 10 tuổi của chị Hằng thích nhất. Cậu và mẹ đặt mục tiêu một tuần sẽ học 5 bài tiếng Anh và chơi 3 buổi ghi ta. Mỗi khi cậu hoàn thành bài học tiếng Anh hoặc bài đàn, mẹ lại cho cậu một mặt cười, cậu dán lên bảng. Khi nào có đủ 30 mặt cười, cậu sẽ được tải một game mới để chơi trên Ipad. Từ khi có mục tiêu cụ thể, việc học tiếng Anh trở thành nhẹ nhàng và dán mặt cười lên bảng là niềm yêu thích của cậu. Nhiều hôm cậu học luôn 2 bài tiếng Anh cùng một lúc để được dán 2 mặt cười lên bảng.
Thấy anh làm được, cu Bi cũng đặt mục tiêu hằng ngày tự giác ngồi vào bàn học lúc 7h30 tối mà không cần mẹ nhắc và sẽ được dán một mặt cười vào bảng. Khi được 10 mặt cười sẽ được đi ăn kem, 20 mặt cười sẽ được quyền chọn nhà hàng khi cả nhà ra ngoài ăn tối và 30 mặt cười sẽ được mua một món đồ chơi.
Khi đã được 30 mặt cười, tất cả lại quay trở về bảng trống để làm lại từ đầu. Chỉ sau vài tháng, trẻ đã hình thành thói quen. Không cần thưởng, trẻ vẫn tự giác làm.
Mặc dù có đăng ký thư điện tử và nhận được tin nhắn của cô giáo hằng ngày về bài tập trẻ cần làm ở nhà, chị Hằng không nhắc con và cũng không quá lo lắng khi con vì quên chưa làm bài mà bị điểm kém. Chị muốn con có thói quen lắng nghe lời cô dặn trên lớp, tự chép vào vở đầu bài và tự học khi về nhà. Sau một vài lần nhớ nhớ quên quên, không được thưởng ngôi sao mỗi lần quên làm bài ở nhà, cu Bi giờ đây đã học được cách nhớ lời cô dặn và làm bài đầy đủ.
Để con không phụ thuộc vào cha mẹ, chị Hằng để con tự giác làm bài và nộp giáo viên. Khoảng một tháng một lần, hai mẹ con cùng xem lại toàn bộ sách vở của con học trong thời gian đó. Thấy con hổng kiến thức, làm sai bài chỗ nào, chị dạy lại chỗ đó. Hai đứa con nhà chị rất tự giác và yêu thích học tập.
Trẻ có thể học thói quen tốt rất nhanh và cũng có thể học thói quen xấu rất nhanh. Chị Hằng chia sẻ “Đừng để con phụ thuộc vào cha mẹ. Nhiều người kêu nuôi con dạy con học thật vất vả, mình thấy việc học hành của con thật nhẹ nhàng. Cả nhà mình, buổi tối ai nấy đều có việc, con học xong, cha mẹ làm việc xong là cả nhà cùng chơi vài trò chơi luyện trí tuệ trước khi đi ngủ".
Theo nhà tâm lý Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, khi rèn cho con tính tự giác, điều quan trọng là cha mẹ phải cùng thống nhất phương pháp dạy con và thực sự kiên trì, nhất quán trong cách cư xử với trẻ. Tuyệt đối không quát nạt, ép con khiến trẻ sợ học, thấy việc học là một hình phạt, cực hình.
Nguồn: Thủy Minh.