Dạy con nói xin lỗi chính là dạy con về những quy tắc ứng xử cơ bản trong cuộc sống. Dù là ở trong gia đình hay ngoài xã hội, trẻ vẫn luôn cần được dạy về cách sử dụng lời xin lỗi hay cảm ơn sao cho đúng hoàn cảnh và thể hiện sự chân thành.
Dạy con nói xin lỗi là khi con phạm sai lầm, dù nhỏ dù lớn, cha mẹ sẽ giúp con nhận ra được lỗi của mình và nói nên lời xin lỗi với người mà mình đã gây tổn thương. Cha mẹ dạy con nhận thức được ý nghĩa của những lời xin lỗi, mục đích của hành động này và hơn hết là không lặp lại sai lầm này trong những lần tiếp theo.
Dạy con biết xin lỗi giúp con thành người tốt
Đây là điều cha mẹ nên ưu tiên khi dạy con nói xin lỗi. Con trẻ nên hiểu rằng xin lỗi là “chìa khóa vàng” để mở nút thắt mâu thuẫn, hóa giải mọi khúc mắc và tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp. Bất cứ người nào khi phạm sai lầm hay mắc lỗi với ai đó, nói lời xin lỗi đúng lúc sẽ không làm cho họ yếu kém hay bị “lép vế”.
Ngược lại, hành động này chứng tỏ đó là người biết nhận thức và có thái độ thiện chí muốn nhận lỗi và sửa sai. Hơn thế người được xin lỗi cũng nhận thấy rằng bạn luôn trân trọng mối quan hệ giữa hai người.
Mọi lỗi lầm phạm phải dù nhỏ hay lớn thì cũng cần một lời xin lỗi chân thành. Việc tha thứ hay không tùy thuộc vào mức độ phạm lỗi và cách nhìn nhận của người đó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng thực hiện việc xin lỗi người khác ngay cả khi họ mắc lỗi mười mươi. Có thể họ chưa nhận ra lỗi của mình. Cũng có khi họ nhận ra mình sai nhưng lại ngại hoặc xấu hổ để nói lời xin lỗi.
Vì vậy, ngay từ khi con còn thơ nhỏ, cha mẹ nên dạy con xin lỗi khi con sai phạm, dù ở mức độ nào đi nữa. Bởi hành động này sẽ tạo nền tảng cho cách hành xử của con trẻ trong tương lai. Hãy giảng cho trẻ hiểu ý nghĩa của lời xin lỗi và áp dụng ngay vào cuộc sống hàng ngày cả khi ở nhà hay nơi trường học.
Việc dạy con xin lỗi là điều rất cần thiết, đặc biệt trong cuộc sống hiện nay, khi con người đề cao lối hành xử văn minh. Lời xin lỗi và cảm ơn là những từ được dùng nhiều nhất. Hầu hết những bậc cha mẹ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc này và ứng dụng nó trong sinh hoạt hàng ngày.
Khi trẻ đi chơi về muộn, đánh nhau với bạn, tự ý lấy tiền trong ví mẹ, lấy trộm đồ chơi của bạn hay khi trẻ nói tục chửi thề, trẻ cáu giận ném đồ đạc trong nhà… tất cả những hành động xấu này cha mẹ đều cần nhắc nhở trẻ kịp thời để trẻ sớm nhận ra hành động không đúng của mình.
Vì vậy, khi trẻ cáu giận hất tung đồ ăn hay bất cứ hành động không đúng nào cha mẹ hãy hỏi trẻ nguyên nhân vì sao. Đây là cách cha mẹ thể hiện sự quan tâm đến cảm xúc của trẻ.
Sau khi nghe trẻ trình bày suy nghĩ của mình, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rằng ném đồ ăn là việc làm đáng trách. Nếu con đã biết mình hành động sai thì phải nói xin lỗi đến mẹ hoặc đến người đã nấu ra những món ăn cho trẻ.
Nếu trẻ chưa nhận ra lỗi và không thực hiện hành động hối cải, cha mẹ hãy cứng rắn và đưa ra hình phạt với trẻ để thể hiện sự không đồng tình của mình với thái độ không đúng của trẻ.
Cha mẹ cũng nên nói đến giới hạn của lời xin lỗi, nhắc nhở trẻ không nên lạm dụng điều này. Nếu cứ cố tình phạm lỗi rồi xin lỗi thì con đã trở thành người bất tín, không biết giữ lời.
Dạy trẻ nói lời xin lỗi là rất cần thiết nhưng thái độ chân thành còn quan trọng không kém. Cha mẹ nên dạy trẻ nhận thức được việc làm sai trái của mình. Trẻ thật tâm hối lỗi và hứa rằng trẻ sẽ không lặp lại trong lần sau.
Lời xin lỗi tuyệt đối không thể nói qua loa đại khái cho xong chuyện. Nếu ngay lúc đó trẻ chưa sẵn sàng, mẹ nên đợi khi trẻ bình tĩnh, phân tích cho con hiểu để trẻ tự nguyện tiến hành khắc phục lỗi lầm.
Có thể đó không phải là một lời xin lỗi, có thể là hành động hối hận (như cúi đầu, ôm bạn…), mẹ cũng nên tùy vào tính cách của trẻ mà chấp nhận điều đó. Đừng quá cứng nhắc bắt con phải xin lỗi theo mong muốn của mình.
Muốn làm được điều này, các bậc cha mẹ phải có hiểu biết nhất định về cách ứng xử trong cuộc sống, biết phân biệt đúng – sai.
Ngoài ra, cha mẹ chính là “người thầy” lớn nhất của con cái, là tấm gương cho các con noi theo. Trong gia đình, nếu cha mẹ phạm lỗi cũng nên thực hiện lời xin lỗi với con trẻ. Có như vậy, con cái mới hình thành được thói quen nói lời xin lỗi từ phạm vi nhỏ trong gia đình, mở rộng ra ngoài xã hội với vô vàn các mối quan hệ xung quanh.
Dạy con xin lỗi là việc làm cần thiết trong hành trình nuôi dạy trẻ nếu muốn con thành người “hiểu chuyện”. Biết nói lời xin lỗi đúng lúc, đúng người và đúng việc cũng giúp những đứa trẻ trưởng thành hơn trong cuộc đời. Những đứa trẻ được dạy nói lời xin lỗi sau khi trưởng thành cũng sẽ biết xây dựng mối quan hệ tích cực với những người xung quanh.