Gần đây, rất nhiều phụ huynh quan tâm đến việc hình thành tư duy phản biện cho con. Điều này rất đúng đắn, khi mà tư duy phản biện là môn học bắt buộc trong chương trình chính quy của nhiều trường ở nước ngoài, ngay từ thời phổ thông. Tuy nhiên, mình thấy có một thực tế, đôi khi ở đâu đó, mọi người vẫn chưa hiểu đúng về bản chất của tư duy phản biện, và đánh đồng nó với việc “cãi”, và thường nghĩ đầu tiên là phải cho con “cãi lại bố mẹ”. Việc tôn trọng ý kiến của con là rất nên, nhưng thực ra “cãi” chỉ là biểu hiện về mặt hình thức, nếu không được trang bị đầy đủ kiến thức và văn hóa bên trong thì thường sẽ dẫn đến “cãi cùn”, ngụy biện – còn tệ hơn cả việc chỉ biết lắng nghe. Đó không phải là bản chất thực sự của “phản biện”. Cùng MATHX đi tìm hiểu chi tiết các kỹ năng qua bài viết bên dưới nhé!
Tư duy phân tích là khả năng bóc tách và lí giải vấn đề. Là khả năng trả lời các câu hỏi Là gì và Tại sao. Để con có thể phân tích được, trước hết cần phải chuẩn bị cho con vốn kiến thức đã. Đặc trưng tư duy của trẻ cấp 1 là trực quan – cụ thể, tư duy trừu tượng của trẻ chưa cao (đương nhiên cũng có những ngoại lệ), và vì vốn sống ít nên để phân tích một vấn đề dựa trên nhiều khía cạnh và luận cứ là rất ít khả thi, vì vậy chúng ta thực sự chưa nên khuyến khích trẻ cãi lại mà có lẽ nên dạy trẻ cách lắng nghe trước.
Ví dụ, mỗi sáng chúng ta thường uống một cốc nước pha mật ong gừng, hãy nói cho con biết gừng là gì, mật ong là gì, nó có tác dụng gì, tại sao chúng ta nên uống?
Tư duy phân tích là điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống, nó giúp ta hạn chế bớt cảm tính để hành động một cách đúng đắn, tránh được nhiều sai lầm.
Ví dụ khi mình đọc cho con nghe câu chuyện ngụ ngôn “Thỏ và Rùa chạy thi”. Trong truyện Thỏ do chủ quan mải chơi nên bị thua, nhưng mình thường phát triển thêm mấy đoạn (mà cái này hình như cũng có trên mạng): Giả sử lần thi thứ 2, Thỏ không mải chơi nữa (kết quả đương nhiên Thỏ thắng); Lần thi thứ 3: Trên đường đua có một con sông (Thỏ không biết bơi đương nhiên sẽ thua Rùa). Sau khi kể như vậy, con nhà mình thỉnh thoảng sẽ bắt mẹ kể theo các giả thiết ngộ nghĩnh mà con nghĩ ra, ví dụ: trên đường đua chỗ nào cũng có sông hết; rồi Thỏ sẽ nịnh Rùa để cõng Thỏ qua sông… (trẻ con rất nhiều giả thiết).
Chúng ta có thể bồi dưỡng tư duy đa chiều cho con qua các câu chuyện kể hoặc các tình huống thường gặp trong cuộc sống. Ví dụ, chúng ta có thể hỏi con “Nếu con là bạn ấy, con sẽ làm gì”, “Nếu con là bạn ấy, con sẽ thế nào…”. Khuyến khích con đặt mình vào các “vai” khác nhau cũng chính là dạy con dần dần hình thành tư duy phản biện.
Khi đi dạy sinh viên, mình có dạy đến khái niệm Dân tộc, các giáo trình và từ điển của mình đều viết: “Dân tộc, theo quan niệm của các nhà sử học, là những cộng đồng người được hình thành trong quá trình lịch sử, trên cơ sở cộng đồng về ngôn ngữ, lãnh thổ, đời sống kinh tế và văn hóa”. Mình thường gợi ý sinh viên, đến thế kỷ 21 – thế kỷ của toàn cầu hóa rồi, ta có nên xem xét lại khái niệm này không. Tiếc là các bạn rất ít lăn tăn, nhưng có rất nhiều câu hỏi mà sau khi trả lời/ hoặc không trả lời được, dẫn đến việc cuối cùng mình thấy cần phải đưa ra một khái niệm khác. Ví dụ:
Khi đưa ra những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ thấy khái niệm trên có thể phù hợp với thế kỷ 19, 20, nhưng giờ đây, nó không còn chính xác nữa. Theo mình, khái niệm Dân tộc của B. Anderson về “Dân tộc là một cộng đồng tưởng tượng” mới là là khái niệm của thế kỷ 21.
Cái nhìn đa chiều đòi hỏi chúng ta tôn trọng sự khác biệt và xóa bỏ được/ không có định kiến (chính người lớn lại hay có định kiến nhất). Vì thế, đầu tiên thay vì dạy con “cãi”, hãy dạy con cách lắng nghe và bình tĩnh suy xét; dạy con thái độ ôn hòa; khi cần bảo vệ ý kiến của mình thì bảo vệ một cách thuyết phục, có luận cứ chặt chẽ.
>>> Tham khảo thêm: CÂU CHUYỆN "DẮT ỐC SÊN ĐI DẠO" BÀI HỌC DẠY CON Ý NGHĨA CHA MẸ NÊN ĐỌC ÍT NHẤT 1 LẦN
Nghe có vẻ to tát nhưng với con trẻ, đầu tiên chỉ cần dạy con cách lựa chọn. Ví dụ hôm nay trời mưa, con nên đi giày hay đi dép (đi giày thì không ướt chân nhưng có thể ướt giày; đi dép thì ướt chân). Con sẽ cân nhắc cái nào có lợi hơn để lựa chọn. Thực tế thì rất nhiều lúc chúng chọn những cái tréo ngoe. Cũng không sao con sẽ có thêm kinh nghiệm, hoặc việc này cũng không ảnh hưởng đến người khác thì chúng ta … kệ thôi.
Các nhận định không thể được xây dựng theo kiểu chủ quan. Một nhận định đưa ra, tốt nhất nên có từ 2 luận cứ trở lên, 1 luận cứ ít nhất cần phải có 1 lí do.
Thực sự, phản biện không phải là cãi cùn hay ngụy biện; cũng không phải là bảo vệ niềm tin hay ý kiến của mình đến cùng. Phản biện là cuối cùng đưa ra được những nhận định khách quan nhất, có ích nhất; Phản biện không phải chỉ là để chuẩn bị cho con thành diễn giả, phản biện, đơn giản, gần gũi hơn, là một cách tư duy quan trọng trong cuộc sống, giúp ta sáng suốt, tránh được sai lầm và có những lựa chọn đúng đắn. Mà cuộc sống, là ngày nào chúng ta cũng lựa chọn đấy (ví dụ hôm nay mua cá hay mua thịt, viết facebook hay là đọc sách…)