Banner trang chi tiết

Con chậm tiếp thu, đừng vội lo lắng

Chậm tiếp thu là vấn đề thường gặp ở rất nhiều học sinh hiện nay. Do chưa được dạy đúng cách hoặc đôi khi là mất tập trung trong học tập và nhiều nguyên do khác mà cha mẹ cho rằng cần giáo dục bằng phương pháp phù hợp. Vậy cần dạy trẻ chậm tiếp thu như thế nào cho hiệu quả? Làm sao để trẻ phát triển như các bạn đồng trang lứa? Hãy cùng thầy Trần Hữu Hiếu đi tìm lời giải đáp nhé.

 

Tìm hiểu đúng nguyên nhân


Không phải đứa trẻ nào đến tuổi đi học đều có thể bắt nhịp với việc truyền thụ tri thức của thầy, cô giáo cũng như ý thức được vai trò, nhiệm vụ của việc học tập. Có những trẻ tiếp thu rất chậm khiến cha mẹ luôn đau đầu.

Tuy nhiên, thay vì xấu hổ, tức giận khi con có kết quả học tập chưa tốt, điều mà cha mẹ cần làm đó là kiên nhẫn, ân cần chỉ dạy để giúp trẻ tiếp thu chậm phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh thực sự của mình.

Trẻ  chậm phát triển thường là trẻ thường gặp khó khăn trong các yêu cầu của hoạt động học tập với các biểu hiện như khả năng tập trung, chú ý nghe giảng kém, hay quên kiến thức, thiếu sự chủ động trong học tập và kết quả học tập thường sa sút.

Đối với trẻ bị đánh giá là tiếp thu chậm thường có các biểu hiện về cảm xúc tiêu cực như “e ngại”, không hào hứng chia sẻ việc học tập với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Khi thầy cô, cha mẹ yêu cầu làm bài, học bài thì trẻ ngồi vò đầu, bức tóc hàng giờ, loay hoay đủ kiểu nhưng vẫn không làm xong bài tập về nhà, hoặc trẻ sẽ viện lý do như “Thầy cô không giao bài về nhà” hay “Em để quên vở bài tập ở nhà”… để ứng phó khi bố mẹ, thầy cô kiểm tra.

Không phải tất cả trẻ chậm tiếp thu đều do trí não phát triển kém mà có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới trẻ học mau quên hay làm bài sai, mắc lại những lỗi đã từng được sửa. Các nguyên nhân chính thường gặp là do trẻ mất tập trung, dạy trẻ sai phương pháp hoặc do trẻ không yêu thích môn học…Khi phụ huynh và giáo viên càng gây áp lực, càng cố gắng bắt trẻ học thì chúng lại càng trở nên chậm tiếp thu hơn. Đừng vội quy kết trẻ vào lý do thiểu năng trí tuệ hay trẻ chậm phát triển mà hãy xem xét các biểu hiện cụ thể của trẻ trong mọi hoạt động sống.

Nhiều trẻ học kém toán, làm bài sai hay chậm đọc nhưng khả năng giao tiếp và xử lý tình huống lại nhanh. Không thể có chuyện trẻ có vấn đề về trí não mà do cha mẹ chưa tạo được sự yêu thích của trẻ với môn học, chưa kiên trì khắc phục lỗi của trẻ dẫn tới tình trạng này.
 

Dạy trẻ đúng cách

Nếu con bạn thực sự có khiếm khuyết về khả năng học tập, đừng cố giải thích bằng các nào khác hay che giấu điều đó. Việc này không có gì đáng để cảm thấy xấu hổ. Vâng, sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như bạn không làm cho con mình cảm thấy chúng không còn được yêu thương, trân trọng hay vui vẻ.

Nếu trẻ tiếp thu chậm thì hãy biến mọi thứ chậm lại theo đúng tốc độ mà con cần. Hãy cho trẻ thời gian và sự quan tâm ân cần mà chúng xứng đáng được hưởng để khám phá được hết các tiềm năng của mình. Để trẻ tiếp thu chậm phát triển trong một môi trường với các công cụ hỗ trợ tốt có thể giúp trẻ vượt trội hơn.

Đối với những trẻ chậm tiếp thu, mau quên thì việc dạy trẻ đúng cách, kiên trì hơn với trẻ là điều vô cùng cần thiết. Thay vì chỉ dạy trẻ một lần đã ghi nhớ thì khi dạy trẻ chậm tiếp thu, cha mẹ cần nhắc lại nhiều lần với nhiều phương pháp khác nhau cả lúc học lẫn thời gian vui chơi của trẻ. Kiên nhẫn với trẻ sẽ giúp con bạn tiếp thu được tốt hơn và hạn chế được tình trạng mau quên. Lưu ý khi dạy dỗ bé cần nhẹ nhàng, quan sát hành vi của bé chứ không nên gây áp lực, quát to…

Đừng bao bọc con quá mức. Nếu bạn cứ cho rằng con mình là một đứa trẻ “tiếp thu chậm” thì chúng sẽ càng trở nên chậm hiểu hơn mà thôi. Đừng nói với trẻ rằng chúng không thể làm được điều gì, thay vào đó hãy tìm cách giúp trẻ có thể tự mình đạt được điều đó trong khoảng thời gian riêng của chúng.

Dành nhiều thời gian cho trẻ cũng là một trong những yếu tố quan trọng để dạy trẻ học tốt hơn. Nếu không thể ở bên trẻ nhiều thì khả năng trẻ bắt kịp với các bạn đồng trang lứa là rất khó bởi chính trẻ đang dần chậm tiếp thu hơn so với lứa tuổi.

Thời gian học của trẻ vì thế mà cũng cần được kéo dài hơn để ghi nhớ tốt hơn. Cha mẹ cũng có thể dạy cho trẻ bằng phương pháp hệ thống hóa, rút gọn kiến thức và chủ yếu tập trung vào những kiến thức cơ bản để trẻ nắm được trước rồi mới mở rộng kiến thức. Đừng nhồi nhét quá nhiều khiến trẻ sợ và chán học.

Cuối cùng hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng riêng của chúng. Có những trẻ mạnh về môn Tiếng Việt đọc hiểu, trong khi các trẻ khác lại giỏi hơn ở môn Toán với các con số, và có trẻ khác lại được đánh giá có khả năng đặc biệt ở bộ môn năng khiếu như nhạc, họa và các hoạt động vận động. Vì vậy, hãy để trẻ tự do phát triển đúng với thế mạnh của mình, trong tình yêu thương đong đầy và sự ủng hộ hết lòng của cha mẹ.

Nguồn: The Asianparent Vietnam


Tin liên quan

Tin cùng loại