Banner trang chi tiết

Có nên dạy con đánh lại khi bị bạn trong trường bắt nạt

Con bạn đi học về với vết bầm tím trên mặt, tâm lý hoảng loạn do bị bạn cùng trường, cùng lớp bắt nạt. Nên làm thế nào cho đúng: Dỗ dành con, dạy con “một nhịn chín lành”, hoặc dạy con nên đánh lại để không bị đánh lần sau?

Theo báo cáo từ Bộ Giáo dục & Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau (khoảng 5 vụ/ngày). Trung tâm Kỹ năng sống Hoàn Năng dẫn số liệu của một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu trên học sinh 5 nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cho biết trung bình 10 học sinh thì có 7 em ở độ tuổi 12-17 trải nghiệm với bạo lực học đường. Việt Nam đứng thứ 2 trong 5 quốc gia được nghiên cứu có số học sinh hứng chịu nạn bắt nạt trong trường học.

Đánh trả có giúp ngừng bạo lực?

Khi con bị bắt nạt, cha mẹ rất lúng túng vì không biết nên làm thế nào cho phải. Dạy con nhẫn nhịn, trẻ có thể tiếp tục trở thành nạn nhân của lần bạo lực tiếp theo. Dạy con phản kháng, bạn sẽ vô tình cổ vũ cho sự hung hãn và thích giải quyết mọi chuyện bằng nắm đấm.

Dĩ nhiên, ý kiến dạy con dùng nắm đấm chống trả lại bạn bạo hành mình khó nhận được sự đồng tình. Việc dùng vũ lực có thể dẫn đến tình trạng bạo lực leo thang, dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Các trường học và giáo viên có nhiệm vụ giữ gìn an toàn cho học sinh. Họ không thể chấp nhận việc đánh trả vì nguy cơ học sinh sẽ tổn thương. Vậy làm thế nào để bảo vệ con khi nhà trường tỏ ra kém hiệu quả trong việc ngăn chặn bạo lực học đường?

Bạo lực là không hiệu quả, thậm chí, nếu nhóm bắt nạt đông người hơn, con bạn có thể gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ công nhận rằng dạy con phảng kháng giúp ngăn bạo lực hình thành. Chuyện không đơn giản như vậy! Một số nghiên cứu về trẻ em ở độ tuổi học mẫu giáo và tiểu học đã nhận thấy rằng: Phục tùng bạn bè vô điều kiện và không chống trả làm tăng nguy cơ bị bắt nạt. Nếu phản kháng sai cách, sự trả thù của con bạn có thể làm nhóm bắt nạt nổi giận và tăng cường bạo lưc hơn trước.

Trước hết, muốn giúp con giải quyết được bạo lực học đường, bạn phải xác định có 2 nhóm trẻ dễ bị bắt nạt

1. Trẻ bị động

Nhóm đầu tiên là “nạn nhân thụ động”. Trẻ này là những người phục tùng, nhút nhát, lo lắng và không trả thù chống lại sự hiếu chiến. Những đứa trẻ bắt nạt có thể nhắm mục tiêu vào những học sinh này mà không sợ bị trừng phạt.

2. Trẻ khiêu khích

Nhóm trẻ thường xuyên gặp bạo lực học đường do cố tình khiêu khích nhóm bạo lực bạn. Chúng bực tức vì bạn học giỏi hơn, có nhiều đồ chơi hơn… Sự bạo lực thể hiện sự bế tắc và không biết cách ôn hòa với bạn. Nhóm “nạn nhân khiêu khích” này thậm chí còn bị bắt nạt nhiều hơn nhóm trẻ thụ động, vì sự mâu thuẫn mãi leo thang. Vòng tròn đánh-trả thù, đánh lại- trả thù lại chỉ làm căng thẳng leo thang.

Dạy con đối phó thế nào với bắt nạt?

Để giảm bớt “thương vong” do bạo lực học đường mang lại, những hành động nhỏ nhẹ nhưng cương quyết bằng thái độ, lời nói có thể giúp con ngăn bị đánh. Chiến lược bạn cần dạy con là:

  • Bình tĩnh
  • Cương quyết ngăn chặn bạo lực bằng lời nói. Giọng nói phải kiên định, nghiêm túc, không có tính công kích. Ví dụ: Bạn không được đánh người. Đánh nhau không tốt. Thầy cô, cha mẹ nói không được đánh nhau.
  • Sẵn sàng giải trình để chấm dứt những hiểu lầm
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người bạn khác.

Dạy con bình tĩnh đối phó

Con ở tuổi tiểu học quá nhỏ để kiểm soát cảm xúc. Con không hiểu các hành vi của mình có thể mang tính công kích như chỉ trỏ, liếc xéo, chửi nhau… Con không điều khiển được cảm xúc của mình và cũng không biết làm thế nào để bày tỏ cảm xúc thông qua những cách tích cực. Cha mẹ có thể giúp đỡ con bằng cách tích cực hỗ trợ tình bạn của con, đồng thời hướng dẫn con cách phản ứng bình tĩnh với hành vi tiêu cực từ bạn bè.

Bạn cũng có thể kể cho con nghe trường hợp mình bị bắt nạt trước đây ở trường học và cách nào để thoát khỏi rắc rối này. Con sẽ cảm nhận sự tương đồng, quen thuộc, nhờ đó không bối rối khi lâm vào cảnh bị hiếp đáp.

Cho con cảm nhận trẻ không đơn độc

Những kẻ bắt nạt muốn thấy nạn nhân của mình cô đơn và bất lực. Nếu con có nhiều bạn bè tốt bên cạnh, duy trì mối liên hệ với bạn bè và người lớn hỗ trợ, kẻ bắt nạt muốn cũng không dám hiếp đáp con.

Đánh động người khác

Trẻ con thường nghĩ rằng việc mình đánh nhau không được người lớn quan tâm. Vì vậy, con sẽ không nói với cha mẹ khi bị ăn hiếp trong trường học. Bạn phải chú ý xem cảm xúc của con khi đi học về, có xuất hiện các vết thương đáng ngờ không. Cho trẻ hiểu rằng việc nói với cha mẹ, thầy cô không chứng tỏ con yếu đuối và dựa dẫm. Ngược lại, việc này cho thấy con trưởng thành và hiểu biết. Kẻ bắt nạt chỉ dám mạnh dạn sử dụng nắm đấm khi người lớn không biết gì về việc bạo hành.

Định nghĩa lại quan niệm “mách lẻo”

Đứa trẻ bị bạn trai phun nước bọt vào người nhưng không dám nói với người lớn. Trẻ sợ rằng nếu nói ra, bạn bè sẽ bảo mình là kẻ mách lẻo. Đó chính là suy nghĩ kẻ bắt nạt muốn. Cách ly bạn yếu thế hơn là cách kẻ thích bắt nạt thường làm. Nhưng khi “bạo chúa” biết nạn nhân không âm thầm chịu đựng, không bị cô lập sẽ sợ và giảm bắt nạt.

Ngăn chặn bằng lời nói

Nếu đối phương vẫn tiếp tục hành vi công kích, bạn có thể dạy con la lớn “Không được đánh người”. Thậm chí, dạy con cách hét thật lớn, để người xung quanh nghe thấy và giúp đỡ con khi cần.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể giúp con bạn giữ được bình tĩnh, tạo vị thế cân bằng khi nói chuyện với “bạo chúa”. Nói chuyện bình tĩnh, rành mạch, “bạo chúa” sẽ thấy “con mồi” của mình không dễ đối phó và sai khiến. Con nên:

  • Nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt nạt
  • Giữ giọng nói bình tĩnh và rõ ràng
  • Đứng một khoảng cách thích hợp với kẻ bắt nạt
  • Sử dụng tên của bạn bắt nạt

Bình tĩnh và cương quyết là kỹ năng xử lí khi trẻ bị bắt nạt. Lúc đó con có thể thoát khỏi nạn bạo lực học đường

Chủ động rời nơi nguy hiểm

Bạn nên cho con biết việc tránh nguy cơ đánh nhau không xấu hổ chút nào. Nếu con cảm giác mình sắp bị bắt nạt, con nên rời khỏi nơi ấy càng nhanh càng tốt, tránh đối đầu. Bạn phải nói cho con hiểu việc chủ động lánh đi không phải là nhu nhược, chết nhát mà thể hiện con là người thông minh, tự tin và hiểu biết.

Đối phó với nạn bắt nạt học đường không phải dễ dàng. Nó đòi hỏi sự nhẫn nại và cương quyết của cả bé và cha mẹ. Bạn nên đồng hành cùng con, trui rèn cho con sự quả cảm. Con sẽ trưởng thành hơn trong chính môi trường học đường này.

Nguồn: Marryliving.


Tin liên quan

Tin cùng loại