Banner trang chi tiết

Dạy trẻ thông minh với 5 hiệu ứng tâm lý nổi tiếng

1. Hiệu ứng Thùng gỗ

Hiệu ứng Thùng gỗ có nghĩa là: Một chiếc thùng gỗ dựng được bao nhiêu nước không phải phụ thuộc vào những thanh gỗ dài nhất mà phụ thuộc vào thanh ngắn nhất.
Thành tích học tập chung của một đứa trẻ cũng giống như chiếc thùng gỗ, mỗi môn học là một thanh gỗ để cấu thành chiếc thùng gỗ. Thành tích học tập tốt của trẻ không thể chỉ dựa vào sự xuất sắc của một vài môn mà phải phụ thuộc vào tính chất của tất của các môn, đặc biệt quyết định bởi những môn yếu nhất. Vì vậy khi thấy trẻ yếu về một môn học nào đó, cần nhắc nhở kịp thời để trẻ tập trung thời gian cần thiết cho môn đó.


2. Hiệu ứng Pygmalion – Lời tiên đoán tự trở thành hiện thực


Hiệu ứng Pygmalion được đặt tên theo một truyền thuyết Hy Lạp thời xưa, thời có một nhà điêu khắc tài ba tên là Pygmalion. Với búa và dùi, ông đã tạo ra một bức tượng hoàn hảo, một người phụ nữ đẹp nhất mà bạn từng thấy. Pygmalion không thể không ngắm nhìn nó mỗi ngày, ông nói chuyện và chăm sóc cho nó như thể đó là một thực thể sống. Và một ngày kia, phép màu xảy ra, bức tượng biến thành người thật.
Hiệu ứng này áp dụng khá hiệu quả trong việc giáo dục con người: Việc gán cho ai đó những đặc điểm tốt dần dần cũng làm chuyển biến họ theo hướng tích cực. Trẻ nhỏ có xu hướng thể hiện, hoàn thành công việc khi được người lớn/bố mẹ/thầy cô kì vọng, tin tưởng, tôn trọng. Do đó, cha mẹ dạy con khéo là cha mẹ biết truyền cho con niềm tin và sự kì vọng vào bản thân mình.


3. Hiệu ứng siêu hạn – Bí quyết phạt con thông minh


Hiệu ứng này bắt nguồn từ một câu chuyện như sau: Một nhà văn nổi tiếng đi nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu, ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, rất cảm động và ông đang dự định sẽ quyên góp tiền. Nhưng qua 10 phút, mục sư vẫn chưa giảng xong, ông bắt đầu có chút mất kiên nhẫn nên quyết định sẽ quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua thêm 10 phút nữa mục sư vẫn tiếp tục giảng, thế là ông nghĩ không quyên góp nữa.
Hiện tượng tâm lý này được gọi là “hiệu ứng siêu hạn”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng.
Áp dụng điều này vào trong giáo dục gia đình rất hiệu quả. Cha mẹ khi khiển trách, phê bình con nên dừng lại ở một mức độ nhất định, tránh đay đi đay lại nhiều lần khiến trẻ từ buồn bã, bất an chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét và xuất hiện tâm lý phản kháng “lần sau mình sẽ lại làm như vậy”.


4. Hiệu ứng tăng giảm – Cách khen trẻ hiệu quả


Một hiệu ứng cực kì thú vị trong giao tiếp: Bất cứ ai cũng muốn sự yêu thích của đối phương dành cho mình “không ngừng tăng lên” chứ không phải là “không ngừng giảm đi”.
Đánh giá trẻ nhỏ cũng vậy. “Khen trước chê sau” không lý tưởng bằng chỉ ra những lỗi của chúng mắc phải rồi sau đó mới khích lệ chúng. Trẻ cảm nhận được khi bố mẹ đánh giá chúng, “sự yêu thích” dành cho trẻ “không ngừng tăng lên” thì sẽ dễ dàng tiếp thu và sửa chữa hơn.


5. Hiệu ứng ngưỡng vào


Hiệu ứng này vận dụng khá hữu hiệu trong việc yêu cầu, thuyết phục trẻ.
Hiệu ứng ngưỡng vào dựa vào một hiện tượng tâm lý hay gặp trong cuộc sống: Khi bạn nhờ một ai đó làm việc gì, nếu vừa mới bắt đầu đã đưa ra yêu cầu quá cao thì rất dễ bị cự tuyệt, ngược lại nếu đầu tiên bạn đưa ra yêu cầu nhỏ thôi, sau khi họ đồng ý hãy tăng thêm yêu cầu thì sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn. Do đó, các bậc phụ huynh khi giao việc cho trẻ, hãy bắt đầu bằng những yêu cầu thấp. Khi trẻ đã làm đúng rồi, nhận được sự khích lệ, biểu dương từ bố mẹ rồi, hãy tăng dần độ khó của yêu cầu lên sẽ khiến trẻ vui vẻ thực hiện hơn.


Tin liên quan

Tin cùng loại