Banner trang chi tiết

Đánh con trong 3 độ tuổi này, cha mẹ phạm sai lầm khủng khiếp

Làm cha làm mẹ khó ngăn được những lúc nóng giận, nhưng dù giận dữ đến đâu, bạn tránh đánh con trong 3 độ tuổi nhạy cảm. Bạo lực với trẻ sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ khó lường.

Đòn roi không bao giờ là phương pháp giáo dục con hay. Thực tế, càng đánh chúng càng lì lợm và không nghe lời, thậm chí lớn lên có khuynh hướng bạo lực. Đặc biệt, trong những giai đoạn tâm sinh lý phát triển nhạy cảm, đòn roi với con càng phản tác dụng.

Đánh con dưới 3 tuổi

Người ta vẫn thường bảo “Dạy con từ thuở ban sơ…”, nhưng việc dạy con đó không bao gồm cách dụng bạo lực với trẻ, đặc biệt khi con dưới 3 tuổi.

Trẻ trong giai đoạn này chưa thấu hiểu hết việc dạy dỗ, đạo lý. Mọi sinh hoạt, suy nghĩ, thái độ của con đều xuất phát từ nhu cầu sinh lý. Trẻ vô thức và chỉ yêu cầu được thoả mãn các nhu cầu cơ bản là ăn, ngủ, phản xạ có điều kiện (khóc khi đau, khó chịu; cười khi vui)…

Cơ thể con trẻ lúc này phản ứng rất tiêu cực khi bị đau. Nếu dùng đòn roi với con trong giai đoạn này, trẻ chịu ảnh hưởng tâm lý và sự phát triển sinh lý. Con sẽ nhút nhát, kém phát triển và nhiều bệnh tật hơn.

Ở độ tuổi này, khi con quấy khóc và đòi hỏi vô cớ, cha mẹ cần kiên nhẫn phân tích cho con hiểu điều đúng sai. Trẻ học từ bố mẹ, nên bạn cần thay cây roi bằng việc làm của chính mình để làm gương cho con.

Nhẹ nhàng nhưng cương quyết thể hiện cho con sự không đồng ý khi con quấy, thông qua cảm xúc sẽ có tác dụng giáo dục con trẻ hiệu quả. Trẻ thấy biểu hiện giận dữ, cương quyết của bố mẹ sẽ giảm bớt hành vi gây rối.

Trẻ sau 6 tuổi: Đánh đòn tổn hại lòng tự tôn

Khi bước sang giai đoạn tiểu học, trẻ có sự phát triển thể lực, trí lực nhất định. Con hiểu được nhiều điều, bắt đầu hình thành cá tính cá nhân, trong đó có sự tự tôn tự trọng. Đòn roi với trẻ lúc này sẽ hằn sâu vào tâm trí.

Đối diện với sự tổn thương thể xác và tâm lý, trẻ bắt đầu sợ hãi mọi thứ. Sự hiếu kỳ, trí tưởng tượng và đam mê khám phá của chúng cũng giảm đáng kể. Đòn roi đã làm trì trệ khả năng học tập của con trẻ thế đấy.

Lời nói gay gắt, bạo lực, đòn roi từ cha mẹ sẽ gây tổn thương sâu sắc cho trẻ. Con sẽ rụt rè, nhút nhát, hoặc có biểu hiện tách biệt với thế giới bên ngoài.

Con trên 6 tuổi, bạn nên dùng  phương pháp nuôi dạy con mềm mỏng và hiệu quả. Cha mẹ nên học cách lắng nghe con, thấu hiểu nội tâm của con bằng cách làm bạn với trẻ. Đặt niềm tin vào con trẻ, chúng sẽ đặt niềm tin lại vào cha mẹ, thấu hiểu nhau hơn.

Khi con có biểu hiện hư hỏng, cứng đầu làm bạn tức điên người, tốt nhất đừng dạy con lúc này. Chọn khi cả hai cùng bình tĩnh, ngồi nói cho con hiểu hành động vừa qua của con làm ba mẹ rất giận, vì nó tổn thương người khác, vì nó không văn minh… Phân tích cụ thể cho con hiểu lỗi lầm sẽ giúp con tránh tái phạm lần sau.

Trẻ trong giai đoạn dậy thì

Độ tuổi vị thành niên luôn nổi loạn mãnh liệt. Tâm lý trẻ lúc này rất bất ổn, vì chúng đang đứng giữa chông chênh của sự trưởng thành và sự ngờ nghệch của một đứa trẻ.

Phản ứng của trẻ vị thành niên trước sự la mắng, đòn roi của ba mẹ sẽ là sự phản kháng quyết liệt, thậm chí con sẽ rất hỗn hào, lì lợm và… đáng ghét.

Trong giai đoạn này cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý và cân bằng cảm xúc khi đối diện với con. Đừng mãi xem con còn là đứa trẻ và áp đặt lên chúng. Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu chúng như người bạn của mình.

Một trong những điều dẫn đến mâu thuẫn lớn giữa bố mẹ và con cái trong giai đoạn này chính là việc thiếu tôn trọng. Trẻ ở độ tuổi dậy thì có lòng tự trọng. Con sẽ rất khó chịu khi bị xâm phạm đời tư, bị chỉ trích và áp đặt theo ý thích của người lớn, của bố mẹ.

Lúc này, chỉ có sự thấu hiểu mới giúp việc đối thoại của bố mẹ và con cái dễ dàng hơn. Bạn nên chuẩn bị tâm lý rằng sẽ có nhiều chuyện con không làm theo ý mình như trước. Hiểu để chấp nhận và tôn trọng quyết định của con, việc này giúp bạn “sống sót” qua thời kỳ dậy thì của con dễ dàng hơn.

Tác hại của đòn roi đến sự phát triển của trẻ

Giáo sư tâm lý đại học Harvard đã thử nghiệm với trẻ em. Họ đã phát hiện, trí tưởng tượng của đứa trẻ 1 tuổi vô cùng phong phú, sự sáng tạo của chúng chiếm đến 96% so với người lớn. Đến 7 tuổi thì ngược lại, đến 10 tuổi thì sự tưởng tượng của chúng chỉ còn lại 4% so với ban đầu. Nguyên nhân là trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ, trung bình chúng phải chịu 20.000 lần tổn thương.

Theo phương pháp  kỉ luật không nước mắt đòn roi và bạo lực thể hiện sự bất lực trong cách dạy con. Bạo lực mang lại nhiều tác hại tiêu cực cho sự phát triển của con trẻ.

Tổn thương tâm lý

Trẻ thường xuyên bị cha mẹ đánh đòn, dạy dỗ bằng roi vọt, cú đấm sẽ có hai biểu hiện lệch lạc đáng lo ngại. Một là, trẻ trở nên chai lì, tránh né cha mẹ và có xu hướng nổi loạn, bạo lực khi trưởng thành. Hai là, trẻ nhút nhát, bạc nhược và thường xuyên lo lắng.

Sụt giảm trí thông minh, thể lực

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng trẻ thường xuyên “ăn đòn” có chỉ số IQ thấp hơn những đứa trẻ khác. Trẻ cũng kém phát triển chiều cao và thể lực hơn.

Điều này cho thấy giáo dục con bạo lực sai lầm không chỉ ảnh hưởng nhân cách mà còn kéo lệch sự phát triển bình thường của trẻ. Khả năng tư duy của não bộ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tương lai không suôn sẻ

Trẻ sống trong cảnh bị cha mẹ lạm dụng việc đánh đập, roi vọt,… thì dễ có nguy cơ bị stress, khủng hoảng tâm lý, luôn trong trạng thái căng thẳng, lo sợ. Tác hại này kéo dài tới khi trẻ trưởng thành và ảnh hưởng tới tương lai của con.

Hiểu được điều này, bậc làm cha mẹ nên cương quyết từ bỏ bạo lực, hạn chế tối đa việc đánh con. Dạy con bằng tình yêu thương và vòng tay bao dung luôn hiệu quả hơn ngọn roi lạnh lùng, bạn nhé!


Tin liên quan

Tin cùng loại