Banner trang chi tiết

Câu chuyện của một bà mẹ có thâm niên dạy con sai cách

Nhìn đứa thì trơ trơ lì đòn, coi mẹ… bằng vung, nhìn đứa thì nhất quyết không cho mẹ bế mà chị tự hỏi: “Mình đã dạy con sai cách ư?"

Chị Hằng- anh Tiến (Hà Đông, Hà Nội) có với nhau 1 cặp sinh đôi nếp tẻ đầy đủ xinh như thiên thần, kinh tế lại khá giả thế nên ai nhìn vào cũng phải thầm tấm tắc khen anh chị đẻ khéo, biết vun vén, chăm lo cho gia đình.

 

Thế nhưng chẳng ai biết rằng chị rất đau đầu vì chuyện con cái, đặc biệt khi hai đứa nhóc nhà chị bước sang ngưỡng của tuổi lên 5. Nhiều khi chị tự hỏi tuổi lên 3 của bé sao chẳng thấy đâu? Bé Bi và Bon nhà chị càng lớn càng ngoan cố,  bướng bỉnh. Thấy cậu anh làm cái này là cô em sẽ nhất mực làm theo, có lúc Bi còn xui em Bon ra lấy điện thoại đặt vào trong laptop rồi mắm môi mắm lợi ấn xuống. 

 

Kết quả là ngoài việc hai anh em bị ăn đòn thì máy tính của mẹ bị vỡ màn hình. Chị tự tổng kết: “Không ngày nào là mình không phát điên phát rồ, la hét với những trò nghịch ngợm của chúng”. 

 

Tuy mới 5 tuổi nhưng nếu khi hai anh em cùng “song kiếm hợp bích” thì quả thực “chúng không hề kém cỏi trong việc nghĩ ra nhiều trò quậy phá”, từ chỗ phá phách đồ đạc, ném nồi niêu xoong chảo, vứt đồ lót của bố mẹ ra phòng khách cho đến chuyện vào nhà tắm bật nước cho chảy xỉ xả cả đêm. 

 

Kết quả sau những lần nghịch ngợm ấy là cả thân mình và quần áo vấy bẩn, mồ hôi nhễ nhại, bố mẹ quát tháo kiểu gì hai con vẫn cười nhe nhởn. 

 

                                      Câu chuyện của một bà mẹ có thâm niên dạy con sai cách 1
         Nhìn đứa thì trơ trơ lì đòn, coi mẹ… bằng vung, nhìn đứa thì nhất quyết không cho mẹ bế mà chị tự hỏi: "Mình đã dạy con sai cách ư?" (Ảnh minh họa)

 

Thế là trận "bão tố" của mẹ nổi lên. Sau khi nhận 3 cái tét mông, Bi vẫn “trơ trơ”, chỉ có Bon là khóc nhè rồi mếu: “Mẹ không yêu Bon, Bon không chơi với mẹ nữa”.

 

Nhìn đứa thì trơ trơ lì đòn,  coi mẹ… bằng vung, nhìn đứa thì nhất quyết không cho mẹ bế mà chị tự hỏi: “Mình đã làm gì sai mà không thể ‘thuần’ được hai đứa con của mình, chúng không hề nghe lời”. 

 

Có những lúc sau khi bị mẹ đánh, con có vẻ ngoan hơn, thế nhưng đến hôm sau, những trò chơi “nghịch như quỷ sứ” vẫn tiếp tục tái diễn. “Thậm chí, chúng còn mang sang nhà ông bà, hàng xóm để khoe chiến tích bị ăn đòn vì nghịch của mình”.

 

Chưa bao giờ chị trầm cảm, mệt mỏi như thế, chị triền miên cáu bẳn, quát mắng con. Chị nhận ra một điều tai hại rằng, mình đang hoàn toàn bất lực với chính những đứa con của mình. Mọi lời nói, lời răn dạy của chị các con không hề nghe mà ngược lại, chúng còn chống đối ra mặt. 

 

Dù tiếc thời gian, chị cũng cố đăng ký một khóa học về dạy con đúng. Đây là một lớp học do các mẹ tự đứng lên tổ chức. Ban đầu chị không nghĩ qua buổi học có nhiều kết quả nhưng thật may mắn, được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các mẹ khiến chị vỡ lẽ ra nhiều điều, hóa ra chị dạy con sai cách. 

 

Hóa ra bởi chị vô tình dạy con sai phương pháp trong một thời gian dài nên con mới ngày càng ương bướng, nghịch ngợm như vậy. 

 

Khi con hư, chành chọe, đánh nhau, chị cũng như nhiều phụ huynh khác dọa nạt: “Ngoan không thì bảo, mẹ giao các con cho ông Ba Bị bây giờ”, “Có thôi ngay không, mẹ sẽ đánh đau hai đứa bọn con đấy”…

 

Thế nhưng nói là việc… của nói, ông Ba Bị chẳng bao giờ xuất hiện và chẳng có hình phạt nào thích hợp nào dành cho con, đòn roi cũng chỉ là hình phạt: “Giơ cao đánh khẽ” của chị mà thôi.

 

Chị tâm sự: “Mình nhận ra một điều rằng, nếu nói ra những câu nói đe dọa trẻ mà mình không thực hiện hoặc không dám thực hiện thì đó là một hành động hết sức ngớ ngẩn, con sẽ chẳng bao giờ biết sợ bố mẹ”.

 

Một trong những điều khiến chị mệt mỏi nhất trong quá trình nuôi dạy con là phải chứng kiến thái độ bướng bỉnh của trẻ. Nhiều khi thấy con nhảy nhót, vứt đồ đạc, chị lại “gầm” lên thế nhưng càng thái độ, bé càng thích thú ném tiếp hoặc bé tức giận khóc lu loa, hờn giận bố mẹ. 

 

Nghe chị em chia sẻ, chị áp dụng và quả nhiên “chiêu này lợi hại thật”. Với những lần con hư, khóc lóc, giận dỗi, chẳng chịu nghe lời mẹ, chị điềm nhiên bỏ mặc bé và sang phòng khác, đương nhiên, "mình sẽ tách hai bé ra để chúng không có đồng minh thì mức độ lo lắng của chúng sẽ tự khắc lớn lên", chị nói.

 

Chị biết, những cơn giận của trẻ chẳng qua chỉ là chiến thuật thu hút sự chú ý của người lớn mà thôi. Và khi không nhận được sự quan tâm thì cơn giận của trẻ cuối cùng cũng sẽ nguôi đi. 

 

Sau đâu đó, khi con đã bình tĩnh hơn, chị không giải thích lỗi lầm của bé như trước nữa mà chị nói chuyện nhẹ nhàng gần gũi khiến con hiểu mình hơn. 

 

Chị nghiệm thêm một điều rằng thống nhất quan điểm trong cách dạy con là điều vô cùng quan trọng. Chị tâm sự, có lần Bon nhà chị đòi bố mẹ mua cho đồ chơi trong khi bé vừa được mua xong, chị không đồng ý và bé khóc, bố thấy thế xót con lại chạy ra can: “nín nào nín nào, bố đưa con đi mua nhé”. 

 

"Với hành động trống đánh xuôi kèn thổi ngược như thế này thì sao khiến hai con ngoan được cơ chứ!", chị nói. Dường như những hành động đúng mực của mình khiến cả nhà hiểu nhau hơn, bố mẹ hiểu con và các con cũng hiểu bố mẹ. Chúng biết hành động nào làm được và cái nào là chưa".

Nguồn: afamily.vn 


Tin liên quan

Tin cùng loại