Banner trang chi tiết

Lớp 6 - bước đệm để "tăng tốc" cho con!

Hầu hết các phụ huynh đều rất quan tâm tới con nhưng hiểu để quan tâm đúng lại là điều rất quan trọng. Con mới vào lớp 6, lớp đầu tiên của cấp THCS. Có những điều gì khác với khi con học tiểu học và cần lưu ý những điều gì?

Anh Ngô Huy Trung sẽ chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm những gì anh đã nhận ra và trải nghiệm sau khi cùng con đi qua lớp 6:

Lớp 6 là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình học tập của trẻ nhỏ - có rất nhiều biến động lớn về cả nội dung, phương pháp, môi trường học tập lẫn những thay đổi về tâm sinh lý. Nhiều bạn học ở tiểu học rất tốt, rất tự tin trong các hoạt động nhưng lên cấp THCS lại trầm hẳn, sức học sút hẳn đi và trở lên lầm lì ít nói, mất tự tin. Tuy nhiên, ngược lại nếu bố mẹ quan tâm & có sự tương tác chuẩn bị tốt thì lớp 6 cũng có thể là bước đệm chuẩn bị rất tốt giúp các bạn ấy "tăng tốc".

Các đặc điểm cần lưu ý

 

1. Về tâm sinh lý: 

- Đang là "đại ca" trường tiểu học, thay đổi sang cấp 2 thành "em út" cũng sẽ không dễ dàng gì. Năm ngoái ra sân đá bóng, chơi bóng rổ chả phải đợi ai, cứ việc "đuổi" tụi trẻ con ra mà chơi nhưng nay thì ngồi ngoài mà ...xin chơi ké các anh chị nhé :-p

- Thay đổi môi trường lớp mới, bạn mới cũng là vấn đề, đặc biệt với những bạn từ nơi khác tới mà trước đó chưa quen biết bạn nào (thành phần thiểu số trong lớp), không hòa nhập tốt cẩn thận rất dễ bị cô lập, trêu chọc và tẩy chay --- điều này là cực kì nguy hiểm ở giai đoạn này. Năm ngoái lớp con trai mình cũng đã có hiện tượng này, nhưng rất may các bố mẹ & thầy cô đều quan tâm sát sao với con nên kịp thời phát hiện và xử lý sớm nên ko có chuyện đáng tiếc xảy ra.

- 11-12 tuổi là bắt đầu giai đoạn dậy thì ẩm ương rồi - đặc biệt với các bạn gái. Cái này sách vở bàn nhiều mình không đề cập nữa. Lưu ý nhỏ là các em lớp 6 dễ bị "khớp" và ấn tượng mạnh với các anh chị lớp 8-9 cao to đẹp trai chơi thể thao giỏi, hát hay...lắm đấy nhé:-). Không tin cứ vào các Confession là rõ.

Những khuôn mặt rạng ngời của học sinh lớp 6 trong ngày khai giảng

Những khuôn mặt rạng ngời của học sinh lớp 6 trong ngày khai giảng


- Với các bạn trường chuyên/chọn: Cần quan tâm để ý với hiệu ứng "ông sao xẹt". Học tiểu học ở trường giỏi thật đấy, được xem là ông sao, là ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè, sự ưu ái của thầy cô, nhưng vào cấp THCS, nhìn xung quanh toàn "hổ báo" ai cũng như mình trở lên cả ...không khéo bị ngợp và sock đấy nhé. Không phải ai cũng thích ứng được ngay với việc đứng cuối lớp ngay đâu. Đặc biệt với những bạn vào trường/lớp mà không do năng lực thực sự của mình thì rất khổ. Khéo lợi bất cập hại.


2. Phương pháp học tập 


Từ cấp 1 lên cấp 2, có sự thay đổi lớn nhất về cách thức thầy cô giảng dạy & phương pháp học tập. Các con phải làm quen với việc nhiều môn học, nhiều thầy cô dạy bộ môn khác nhau nhưng cái quan trọng nhất là cách thầy cô giảng bài & cách ghi chép trong vở ghi. Sẽ không còn kiểu đọc từng câu, từng chữ để chép vào vở nữa. Các con sẽ cần phải thích ứng và chủ động hơn với việc tự ghi bài & làm bài tập.


3. Nội dung học tập:


Lớp 6 bắt đầu thực sự học nhiều môn hơn với mức độ chuyên môn hóa cao dần: Lý, Sinh, Sử, Địa, Công nghệ, GDCD...toàn các môn mới với thầy cô mới.
Một điểm cũng đáng kể ở đây là điểm số. Tất nhiên vẫn còn siêu nhân nhưng việc 10 phẩy toàn bộ như thời tiểu học là gần như không thể. Các bạn sẽ phải làm quen dần với việc bị điểm "kém" (ý mình là 8 trở xuống) chứ không còn toàn 10 như trước nữa. Không hẳn dễ chịu để thích ứng ngay với các loạt bài miệng - 15' hay 1 tiết các môn nếu không có sự chuẩn bị tốt từ đầu.

 

Một số kinh nghiệm tham khảo

1. Đồng hành thường xuyên cùng con (tất nhiên rồi). Nếu có thể giảng giải bài cho con được là tốt nhất, nếu không cũng nên cùng con tham gia hoạt động chung nào đó hàng ngày/tuần (chơi thể thao cùng con chẳng hạn), thông qua đó sẽ gián tiếp trao đổi khéo léo về chuyện trường lớp...chứ những câu hỏi chung chung kiểu: Hôm nay học như thế nào? Có điểm môn nào không? Ở trường có gì mới không? v.v... sẽ khó lòng nhận được câu trả lời mong muốn từ "đối tác". Nôm na làm sao con xem mình là bạn thân là đạt yêu cầu.

2. Tạo kênh liên lạc trao đổi tích cực giữa phụ huynh trong lớp. Nhắc điều này không hề thừa đâu nhé, vì một số phụ huynh có vẻ không cởi mở và xem nhẹ các kênh liên lạc này. 

3. Chuẩn bị tốt cho con về tâm lý, nếu có thể thì hướng dẫn, tham khảo các cách thức học tập hiệu quả của các anh chị khóa trên áp dụng cho con mình. Ví dụ cá nhân mình đánh giá cao việc sử dụng "Sơ đồ tư duy" trong việc ghi chép và học hiểu bài - áp dụng cho tất cả các môn đều được.

4. Tham khảo và cùng con xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch (thời gian biểu, kế hoạch tuần - tháng - năm...) theo lịch trình hàng tuần/hàng ngày đã đề ra. Xác định trước là không hoàn hảo và thực thi đúng 100% được đâu, nhưng định hướng dần dần và tạo tác phong làm việc có kế hoạch mới là quan trọng nhất.

5. Có điều này mình thấy rất đúng: Duy trì thời gian tự học hàng ngày (mình đánh giá cao ở một số trường cấp THCS ở chỗ có luôn 02 tiết tự học hàng ngày sau giờ học chính khóa). Không cần nhiều, ít thì chỉ cần 30-45 phút để ôn lại bài đã học trong ngày và chuẩn bị bài cho hôm sau là đủ. Các con có thể bận rộn học đủ thứ quan trọng khác (Toán chuyên, Anh chuyên, Đàn Hát Võ Vẽ...) nhưng cố gắng thu xếp dành ra ít nhất 15-30 phút mỗi ngày nhé. Làm được thế hàng ngày thì đi học (trên lớp) như đi chơi dạo thôi, rất nhàn mà hiệu quả. 

6. Về môn Toán: Toán lớp 6 nói chung là lớp 5 nối dài, không quá khó. Bạn nào học tốt toán lớp 5 thì hầu như không gặp vấn đề gì với toán 6. Tuy nhiên có một số điểm cần lưu ý:

- Nên bắt đầu tập rèn luyện trình bầy bài cẩn thận, làm "đến đầu, đến đũa" đàng hoàng thay vì kiểu làm nhanh điền đáp số ở lớp 5. Kiểu điền đáp số nhanh tuy có tác dụng tốt trong các kỳ thi nhưng về lâu dài rất nguy hiểm, tạo thói quen mò đáp số và làm bài ẩu không chắc chắn.
- Các bạn không xác định chuyên Toán thì học chắc chắn, trình bầy tính toán cẩn thận là đủ. Những kiến thức số học lớp 6 sẽ có trong các đề thi vào 10 chuyên thật đấy, nhưng không sao cả. Cứ học chắc chắn, lên lớp 9 mới học giải phương trình nghiệm nguyên hay chứng minh A không phải số chính phương, tìm giá trị tận cùng của lũy thừa X...
- Về các kỳ thi học sinh giỏi Toán: Với lớp 6 thì có thể nói 100% các kỳ thi Toán, kể cả trong & ngoài nước chỉ có tác dụng kiểm tra, giao lưu, động viên khích lệ tinh thần...bố mẹ các cháu là chính, các cháu được giải cũng vui, cũng hào hứng, có buồn - khóc nếu thất bại đấy nhưng 1-2 tuần sau là quên sạch thôi. Trừ việc nếu cháu nào có ý định du học sớm (cấp 2) thì các chứng nhận giải thưởng từ lớp 6 này chả có giá trị gì về sau - thi vào 10 cũng không có tí ưu tiên nào cả. Các bố mẹ nên tỉnh táo để tránh không bị cuốn vào các kỳ thi này một cách không cần thiết, vô tình tạo áp lực cho các con. Tuy nhiên cũng phải khách quan công nhận việc cảm giác con đạt Huy chương Vàng cũng dễ...gây nghiện lắm. Bài dài nên mình không đi sâu vào phân tích các kỳ thi cụ thể, nhưng cá nhân mình thì đánh giá kỳ thi MYTS là chất lượng và đáng để cân nhắc tham gia nhất. 

Niềm vui nhận giải tại kỳ thi MYTS

Niềm vui nhận giải tại kỳ thi MYTS


7. Về chữ viết: Cái này rất dễ dàng bị bỏ qua nhưng sẽ là nỗi ám ảnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành thi cử về sau này của các bạn nhỏ - đặc biệt là các bạn trai. Đơn giản là lớp 6 chuyển từ viết chữ kẻ ô li sang dòng kẻ ngang và với tốc độ ghi bài đủ để theo kịp bài giảng thì 99% sẽ ...ngoáy tít mù. Lâu dần thì chữ đang rất đẹp hồi tiểu học cũng biến thành giun dế hết. Các bạn vừa học xong lớp 6 có thể kiểm chứng ngay: so sánh chữ viết đầu năm học và cuối năm là rõ.
Giải pháp: Nếu được, mình đề nghị nên cho các bạn ấy luyện tập viết (nhanh, dòng kẻ ngang) trong dịp hè trước - và bố mẹ thường xuyên kiểm tra vở và nhắc nhở, thậm chí nghiêm khắc bắt chép lại bài nếu chữ quá ẩu trong suốt năm học.

Trên đây là những nhìn nhận và kinh nghiệm của mình đã từng giúp 2 đưa con trải qua lớp 6. Rất mong các phụ huynh khác bổ sung, trao đổi.

Nguồn: Anh Ngô Huy Trung


Tin liên quan

Tin cùng loại