Đối với nhiều gia đình, mỗi khi thành tích học tập của con không tốt, không khí trong nhà sẽ càng trở nên nặng nề. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lí của các con cũng như không khí trong gia đình
Sai lầm thứ nhất: Liên tục thúc giục, than phiền
Chỉ cần nhìn thấy con đang lúc rảnh rỗi hoặc đang giải trí, nhiều bậc cha mẹ sẽ không ngừng thúc giục, than phiền mà nội dung trong những câu nói của họ luôn lấy việc học làm trung tâm. Ví dụ như:
"Con chơi đủ rồi đấy, đi làm bài tập ngay đi!".
"Đừng có xem tivi nữa, lo mà làm bài tập đi!".
Thói quen than phiền, thúc giục này không những vô dụng mà còn khiến trẻ có ý nghĩ tiêu cực: "Cha mẹ càng ép, con càng không muốn học!". Hậu quả là các em sẽ nảy sinh tâm lý chống đối việc học hành, học một cách qua loa đại khái, đối phó.
Sai lầm thứ hai: Thường xuyên quở trách, chê bai
"Con chẳng làm được việc gì nên hồn cả!".
"Có mỗi việc học thôi mà con cũng không học giỏi được hay sao?".
Đó là những lời trách móc "cửa miệng" của không ít các bậc phụ huynh mỗi khi không hài lòng với thành tích học tập của con mình. Trách mắng là phương pháp giáo dục sai lầm nhất khiến sự nghiệp học hành của con bạn bị phá hủy nhanh chóng. Bởi những lời quở trách của các bậc cha mẹ sẽ làm kìm hãm tính tích cực trong học tập, khiến các em mất đi hứng thú với việc học.
Sai lầm thứ ba: Bận tâm quá nhiều thứ
Có nhiều bậc phụ huynh vì quá bận tâm tới việc học hành của con nên luôn sống trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng. Hôm nay họ lo con mình có thành tích kém sẽ không đỗ vào trường tốt. Ngày mai họ lại sợ hãi về việc con học chưa giỏi sẽ chẳng có tiền đồ cho tương lai. Những nỗi ám ảnh ấy khiến các phụ huynh này ngày ngày suy tư lo lắng, thái độ ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý con trẻ. Trên thực tế, việc học tập nếu muốn thu được kết quả như ý thì phải được tiến hành trong một hoàn cảnh hòa nhã, thoải mái.
Sai lầm thứ tư: Tối ngày kèm cặp
Trước kia, có một câu chuyện về chủ đề dạy con từng nhận được nhiều sự quan tâm trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.
Câu chuyện này kể về một người mẹ hết lòng vì con. Bởi muốn con có thể thi đỗ vào trường trọng điểm, người mẹ ấy đã thuê nhà ở sát trường con học trong suốt 3 năm, dành hết tâm sức bồi dưỡng, kèm cặp con mình.
Quả nhiên con của chị đỗ vào trường tốt nhất thành phố, hơn nữa còn được học lớp chọn. Nhưng một thời gian sau, vì nhiều lý do mà người mẹ ấy không thể tối ngày kèm cặp con được nữa. Thiếu đi sự kèm cặp của mẹ, người con nhanh chóng sa vào những tệ nạn, vui chơi, kết quả học tập cũng ngày một sa sút.
Câu chuyện ấy chính là lời cảnh tỉnh cho những phụ huynh kèm cặp con trẻ một cách thái quá. Điều này sẽ khiến con mất đi khả năng độc lập trong học tập, cũng khiến các em nuôi suy nghĩ việc học không phải trách nhiệm của mình, từ đó càng ngày càng lệ thuộc vào cha mẹ.
Không thể phủ nhận một điều là gia đình đóng vai trò vô cùng trọng yếu trong công cuộc học tập của các con. Cha mẹ là người thầy có sức ảnh hưởng rất lớn đối với các con.
Muốn con học giỏi, cha mẹ không nên buông lỏng con, nhưng lại càng không nên quản thúc tất cả. Hãy giúp đỡ con trẻ với mục đích và hoạch định rõ ràng, khoa học. Đó mới là cách giáo dục đúng đắn để thế hệ sau của chúng ta ngày càng trở nên xuất sắc.
Nguồn: Sưu tầm