Banner trang chi tiết

BẬT MÍ 10 CÁCH GIÚP TRẺ HAM HỌC ĐỂ ĐẠT KẾT QUẢ CAO

Làm cha mẹ, chẳng ai mà không muốn con cái học hành chăm chỉ, thi đâu đỗ đấy và thành công trong mọi lĩnh vực. Vì quá kỳ vọng nên không ít phụ huynh đã tạo ra một áp lực lớn trên vai trẻ. Trong khi vấn đề quan trọng rằng chúng ta phải tìm cách giúp trẻ ham học hơn, chủ động xem việc này như trách nhiệm của bản thân chứ không phải “cắm đầu học” vì sợ bố mẹ trách, mắng.

Để mọi vấn đề trên không xảy ra, cùng MathX tìm hiểu 10 cách gợi hứng thú giúp trẻ ham học hơn sau đây:

 

1. Ngồi cùng con là một cách giúp trẻ ham học hơn

  Cuộc sống ngày càng bận rộn hơn và các bậc cha mẹ dường như đã quên khuấy đi việc hỗ trợ con làm bài tập về nhà. Theo các chuyên gia, biện pháp đồng hành cùng trẻ này mang lại một số hiệu quả nhất định như cải thiện kết quả học tập, củng cố kiến thức và duy trì mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong nhà.

Nhiều người nghĩ rằng việc này sẽ khiến con không thoải mái, nhưng thực chất trẻ sẽ có cảm giác được bố mẹ yêu thương, quan tâm nhiều hơn đấy! Bằng chứng là trẻ thường lười biếng hoặc có xu hướng dễ phạm sai lầm nếu cha mẹ quá mải mê việc bên ngoài.

Không chỉ giúp con ôn lại những kiến thức trong sách vở, thông qua việc này, bạn có thể dạy thêm những kỹ năng sống cho trẻ, điều mà chẳng một thầy cô, trường lớp nào có thể làm được.

 

                                                                

 

2. Không đặt nặng điểm số

  Việc đặt nặng điểm số sẽ vô tình tạo ra một đứa trẻ mắc bệnh “thành tích” trong tương lai. Điểm số cũng quan trọng nhưng không nói lên tất cả. Quan trọng là con bạn đã học được gì ở trường, trẻ đã vận dụng được gì từ những kiến thức mình tiếp thu.

  Thay vì gặng hỏi con “bài kiểm tra được bao nhiêu điểm?”, bạn hãy quan tâm nhiều hơn đến con đã làm được những gì trong bài kiểm tra, suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Mỗi ngày, bố mẹ nên dành một chút thời gian để trò chuyện với con. Đó có thể là chủ đề về những hoạt động hằng ngày ở lớp học hay những điều mà bạn cảm thấy thú vị và cần chia sẻ với trẻ.

Thông qua hành động này, bạn sẽ hiểu thêm khá nhiều điều về trẻ. Trong trường hợp con có gặp rắc rối, ba mẹ cũng sẽ kịp thời có biện pháp xử lý tốt hơn.

 

3. Lên lịch trình cho việc học

  Bất cứ việc gì nếu được thực hiện và theo dõi một cách có hệ thống sẽ luôn mang lại kết quả tích cực. Điều này cũng đúng với việc học của trẻ, vì thế bạn hãy lên một kế hoạch cụ thể và theo sát.

  Nên đề ra một thời gian cố định và những việc cần làm trong ngày, lấy ví dụ như:

  • Trước khi bắt đầu buổi học ở nhà, trẻ cần chuẩn bị mọi thứ cần thiết từ sách vở, tài liệu liên quan cho đến các đồ dùng học tập
  • Tuyệt đối tránh nói chuyện và giữ không gian yên tĩnh khi ngồi học
  • Phải hoàn tất mục tiêu đã đề ra (chẳng hạn làm bao nhiêu bài tập trong ngày hôm đó) thì mới ngưng lại

Việc học tại gia không chỉ giới hạn ở chuyện làm bài tập về nhà, bạn có thể dạy con những kiến thức mới. Điều này sẽ giúp trẻ nhanh chóng tiếp thu bài vở khi nghe bài giảng của thầy cô ở trường.

 

4. Hãy để con lựa chọn môn học mà trẻ thích

  Cách giúp trẻ ham học hỏi hơn là để con tự chọn lấy môn học mình yêu thích và hoàn thành môn đó trước. Chẳng phải bản thân người lớn chúng ta cũng tự bảo nhau “hãy làm những gì mình thấy đam mê nhất” hay sao?

Trẻ con cũng thế, với những môn học mà trẻ yêu thích, bạn sẽ chẳng tốn công ép con ngồi vào bàn học. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng đừng vội đánh giá hứng thú của trẻ xem cái nào là tốt hơn. Vì tất cả những môn học mà trẻ thích đều giúp chúng tự tin hơn, biết đâu thông qua đó bạn khám phá ra một năng khiếu đặc biệt của con thì sao?

 

5. Đừng quên sự trợ giúp của giáo viên

  Bạn nên hiểu một điều, những kiến thức ngày nay mà con được học so với những gì mình biết có thể đã khác xa nhau. Vì thế, đôi khi bạn sẽ gặp những tình huống éo le là giảng mãi con vẫn không hiểu mình đang nói gì.

  Do vậy, đừng ngần ngại nhờ đến sự trợ giúp của thầy cô giáo ở trường để củng cố kiến thức cho con bạn nhé! Bởi lẽ, họ là những người trực tiếp giảng dạy cho con bạn hằng ngày nên sẽ có cách giải đáp những thắc mắc của trẻ hợp lý.

  Trong trường hợp phát hiện thấy con học kém đột ngột, bạn cũng đừng ngần ngại mà hãy liên hệ với giáo viên phụ trách. Cùng nhau, cả hai có thể tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra chiến lược để giúp con cải thiện điểm số và yêu thích môn học đấy hơn.

                                          

6. Tạo không gian cho việc học là cách giúp trẻ ham học hơn

  Đừng nghĩ rằng việc này là không cần thiết, bởi đây cũng là cách giúp trẻ ham học hơn rất hữu ích đấy! Hãy biến góc học tập của con thành nơi lý tưởng nhất bằng cách thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ; bài trí sách vở ở vị trí thuận tiện, dễ lấy.

Ngoài ra, bạn có thể sắm thêm một số vật dụng trang trí dễ thương hoặc cùng con tự tay thiết kế một thời gian biểu xinh xắn dán trên bàn học. Tất cả những hành động này tuy nhỏ bé nhưng sẽ tạo thêm niềm cảm hứng cho con.

  Bên cạnh đó, bạn cũng phải đảm bảo các yếu tố như ánh sáng, không gian học tập yên tĩnh, tránh những tiếng ồn hay mọi thứ có thể cắt ngang việc học của con. Tuyệt đối không nên cho trẻ học trên giường ngủ, điều này sẽ làm con bị xao nhãng và dễ buồn ngủ hơn. Lý tưởng nhất nên để bàn học ở vị trí đủ gần nơi bạn làm việc để dễ trả lời những câu hỏi của con.

 

7. Tìm hiểu cách học tập của con

  Cách giúp trẻ ham học hơn là đừng bao giờ bắt ép con phải làm hoặc nghe theo những mong muốn của riêng mình. Nên nhớ rằng, mỗi người chúng ta có cách học và tiếp thu hoàn toàn khác nhau. Vì thế, bạn tuyệt đối không nên áp đặt phương pháp học tập của mình với trẻ. Điều quan trọng là hãy quan sát và tìm hiểu xem con bạn tiếp thu bài vở như thế nào, đó có thể là:

  • Học bằng thị giác: ghi nhớ thông tin qua hình ảnh, biểu đồ, video…
  • Học bằng thính giác: lắng nghe bài giảng, đoạn ghi âm và mọi sự diễn đạt bằng lời nói
  • Học bằng xúc giác: tiếp cận vấn đề qua đôi tay
  • Học theo nhóm hay học cá nhân.

  Chỉ khi biết được cách học của con, bạn mới có thể tìm ra biện pháp tốt nhất để phát huy khả năng và cải thiện kết quả học tập của trẻ.

 

8. Đề ra các mục tiêu học tập và cùng con hoàn thành từng giai đoạn

  Học hành là cả một quá trình, bạn không thể một lúc nhồi nhét vào đầu con mọi kiến thức có trong sách giáo khoa ngay được. Đặc biệt là cận kề những ngày thi cử quan trọng, trẻ rất dễ bị áp lực và đâm ra chán nản dễ buông xuôi hơn.

  Lúc này, bố mẹ chính là nguồn động viên để con có hứng thú quay lại việc học. Để làm được điều này, bạn có thể đề ra những mục tiêu ngắn, trung và dài hạn để dễ theo dõi tiến độ. Ở mỗi giai đoạn như vậy, bạn sẽ đặt ra kế hoạch ôn bài vở phù hợp, phân chia lịch trình trong ngày thành nhiều giờ và xác định những kiến thức cần tập trung học trong khoảng thời gian đó. Điều quan trọng là phải đảm bảo trẻ có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.

Phương pháp nghỉ giải lao hợp lý là 50/10, theo đó bạn sẽ để trẻ học thật tập trung trong liên tục trong vòng 50 phút và tạm nghỉ 10 phút khi đã hoàn thành khoảng thời gian trên.

 

9. Làm gương cho con

  Cách giúp con ham học hơn không gì tốt hơn việc bạn là tấm gương cho trẻ. Nếu bố mẹ là người say mê tìm tòi nghiên cứu và làm việc nghiêm túc thì ít nhiều trẻ sẽ học hỏi được điều này.

  Mỗi tối khi con học bài, thay vì chỉ ngồi kè kè theo dõi con, bạn có thể đọc sách hoặc làm những công việc văn phòng mà mình còn dang dở. Một khi thấy được hình ảnh này, trẻ sẽ dần hình thành thói quen tự học mà không cần phải nhắc nhở.

  Với trẻ nhỏ, bạn hãy kể cho con nghe những câu chuyện về các tấm gương hiếu học ở Việt Nam cũng như thế giới. Điều này cũng rất có ích trong việc khơi dậy tinh thần tự học của con.

 

                                           

 

10. Cách giúp trẻ ham học là đừng “hối lộ” để con học

  Những lời khen và động viên không bao giờ thừa để khuyến khích con cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được dùng quà cáp, tiền hay bất cứ thứ gì khác để “mua chuộc” nỗ lực của con. Bởi lẽ, cách này chỉ có thể giải quyết vấn đề tạm thời và sau đó trẻ sẽ y như cũ, vẫn ham chơi và lười học như trước.

  Trên đây là những gợi ý về cách giúp trẻ ham học hỏi hơn. Điều quan trọng rằng bố mẹ vẫn nên ở bên và quan tâm con nhiều hơn nữa. Đừng dùng những biện pháp tiêu cực để dạy con nếu không muốn một ngày nào đấy bạn sẽ phải hối hận về những hành động của mình.

 

 

Nguồn: Hellobacsi 


Tin liên quan

Tin cùng loại