Banner trang chi tiết

HỌC TOÁN ĐỂ LÀM GÌ?

Học Toán để làm gì? đó là câu hỏi không dễ gì trả lời. Sách Toán 24h xin đăng tải nguyên văn bài viết của GS.TSKH.NGND Nguyễn Cảnh Toàn trong cuốn sách “Nên học Toán thế nào cho tốt”

 

Nhiều người nghĩa rằng học toán là để có các kiến thức toán học mà dùng trong đời sống hằng ngày và để học các môn khác, nhất là để học các môn khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Nghĩ như vậy không sai nhưng chưa đủ. Thời đại ngày nay, trong giáo dục đào tạo, người ta yêu cầu cao về việc rèn óc thông minh sáng tạo, tính năng động thích nghi với những thay đổi nhanh đến chóng mặt, nên toán học, vốn đã được coi là “thể dục của trí não”, là “nữ hoàng của các khoa học”, càng phải phát huy vai trò đó; toán học không chỉ phải rèn óc thông minh sáng tạo để phục vụ những lĩnh vực cần đến các khái niệm, các công thức, định lý toán học mà còn rèn óc thông minh sáng tạo để phục vụ cho cả các lĩnh vực “phi toán”, túc là những lĩnh vực không dùng đến bất cứ các khái niệm, định lý, công thức toán học nào cả. Các môn học khác cũng có vai trò rèn óc thông minh sáng taoh, nhưng tác dụng không lan tỏa và sắc cạnh như tác dụng của môn toán vì môn toán đã loại bỏ hết mọi khía cạnh vật chất trong thế giới khách quan, chỉ giữ lại để nghiên cứu các quan hệ số lượng và các quan hệ logic (hình thức hoặc biện chứng). Vì toán học có thể trùm lên các khoa học nghiên cứu về các dạng vận động khác nhau nên toán học rất gần gũi với logic và triết học.

 

Nhiều người chỉ thấ có kiến thức toán học mà ít quan tâm đến tư duy và nhân cách của người làm toán.

 

Một lần, Vụ Phổ thông (Bộ Giáo dục cũ) chỉ đạo “bỏ chứng minh phần đảo”, “bỏ biện luận” trong dạy học toán vì học sinh kêu khó; thật là sai lầm vì “chứng minh phần đảo” nhằm mục đích rèn cho tư duy kín kẽ, “nghĩ đi rồi phải nghĩ lại”, không suy nghĩ một chiều còn biện luận là nhằm làm cho “chủ quan phải phù hợp với khách quan”; trong biện luận, tham số m là đại diện của khách quan; khi m biến thiên, tức là khi khách quan biến đổi thì lời giải bài toán đó (chủ quan) phải thay đổi theo. Khi biện luận phải vét cho hết mọi trường hợp có thể xảy ra đối với m, không được phiến diện bỏ sót trường hợp nào. Sau này khi học sinh vào đời, trừ những người làm nghề dạy toán hay nghiên cứu toán học, có mấy ai phải đụng đến định lý đảo hay biện luận theo tham số nhưng ở tất cả mọi người, dù có làm nghề gì cũng không được suy nghĩ một chiều, không được chủ quan, không được phiến diện. Dạy chứng minh phần đảo, dạy biện luận chính là để giáo dục những phẩm chất đó cho mọi học sinh dù cho các em sau này có làm nghề gì đi nữa. Các môn khác cũng có thể giáo dục như vậy nhưng môn toán với ưu thế đòi hỏi chính xác cao độ và khả năng phục vụ các khoa học khác sẽ rèn luyện phẩm chất đó một cách vừa rộng rãi vừa ráo riết. Như vậy, nếu học sinh kêu khó thì phải chỉ đạo tìm những bài toán trong đó chứng minh phần đảo không khó, những bài biện luận ít rắc tối chứ không phải là “bỏ chứng minh đảo”, “bỏ biện luận”. Đối với một học sinh, việc chứng minh được phần đảo của một định lý không quan trọng bằng việc nhận thức được rằng cần phải chứng minh phần đảo thì mới yên tâm với lập luận của mình, chưa chứng minh được thì cảm thấy lập luận chưa kín kẽ

 

Nói tóm lại, học toán không chỉ nhằm để có kiến thức toán học mà còn để phát triển tư duy sáng tạo và nhân cách. Hai mặt này tác động lẫn nhau: tư duy càng sắc bén, nhân cách càng tốt đẹp thì nắm kiến thức càng sâu; nắm kiến thức càng sâu thì màu sắc tư duy và gia cố nhân cách.

Nguồn: sachtoan24h.com


Tin liên quan

Tin cùng loại