Banner trang chi tiết

9 cách nuôi dạy con chỉ có ở Việt Nam

Các phương pháp giáo dục hiện đại và nhiều luồng tư tưởng giáo dục nhân bản đang chuyển biến nền giáo dục Việt Nam theo hướng tích cực. Tuy vậy, đâu đó vẫn tồn tại những quan niệm dạy trẻ sai lầm, từ cả gia đình – nhà trường – xã hội.

Cách nuôi dạy con của người Việt Nam bên cạnh những thế mạnh vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cùng  liệt kê những quan niệm dạy con dường như chỉ có ở các gia đình Việt nhé.

 

1. Nuôi con dựa vào dư luận

“Mẹ nuôi sao mà trẻ gầy thế này”, “Mẹ không cho con học thêm là con học dốt…”, “Cho con uống sữa công thức này tốt hơn này”… Rất nhiều luồng dư luận xung quanh việc nuôi dạy con của người Việt Nam. Đáng buồn là nhiều bậc cha mẹ lại bị ảnh hưởng và làm theo cách dạy của người khác.

 

2. Đánh giá sự phát triển của con dựa vào… cân nặng

Khẩu hiệu “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của người Việt thực chất là nuôi con cho béo. Đây là quan niệm dinh dưỡng sai lầm. Các bà mẹ người Việt vẫn ngầm so sánh con mình và con người khác, tự hào vì con mình mũm mĩm hơn.

Cân nặng không nói lên được sức khỏe của trẻ. Con không chỉ cần được cung cấp dinh dưỡng mà còn cần vận động cơ bắp, hoạt động thể thao.

 

3. Học giỏi là “sứ mệnh” duy nhất

Quan niệm của người Việt Nam vẫn đánh giá kết quả học tập qua các bảng thành tích. Học giỏi gần như là tiêu chí duy nhất để đánh giá con trẻ. Đứa trẻ người Việt cắm đầu vào học, không đòi hỏi phải vận động, chơi thể thao, học tập kỹ năng… Thậm chí, trẻ khỏi cần làm việc nhà, vì ba mẹ ưu tiên cho việc học của con hàng đầu.

Đây là một quan niệm rất sai lầm cần thay đổi. Một con người thành công khi tổng hòa được nhiều yếu tố: Kiến thức – Kỹ năng – Sức khỏe – Quan hệ xã hội… Để có được những điều này, trẻ cần được học – chơi, được khám phá và trải nghiệm ngay từ bậc Tiểu học.     

 

4. Nét chữ là nết người

Quan niệm này tồn tại từ thời phong kiến cho đến tận ngày nay. Suy nghĩ lạc hậu này vô tình làm hại trẻ, khi cha mẹ bắt con đến các lớp luyện chữ đẹp. Việc rèn chữ theo khuôn phép không phù hợp với sự phát triển hệ cơ xương của trẻ. Và việc viết chữ đẹp hay xấu không thể là cơ sở xác định bản chất của một người.

Một số nghiên cứu đã cho thấy viết chữ tự do không theo khuôn phép là biểu hiện trẻ giàu tính sáng tạo và thông minh hơn. Không việc gì bạn phải ép con viết chữ thật đẹp. Con chỉ cần viết đúng, dễ nhìn và tốc độ không quá chậm so với bạn cùng lớp là đủ.

 

5. Chỉ cần giỏi môn Toán và môn Tự nhiên

Tư duy sáng tạo theo suy nghĩ của nhiều người Việt Nam là phải giỏi Toán. Nền giáo dục Việt Nam cũng phạm sai lầm này khi chú trọng môn Tự nhiên hơn các môn Xã hội. Toán được xem trọng hơn các môn Địa lý, Lịch sử…

Toán học là công cụ để trẻ tư duy logic, nhưng nó không phải là nền móng cho các môn khoa học khác. Trẻ sáng tạo và tư duy qua nhiều hoạt động, thông qua học tập, vui chơi, nghệ thuật… Việc thúc ép con quá mức đôi khi dẫn đến hội chứng sợ học môn Toán.

 

6. “Bắt cá biết leo cây”

Albert Einstein từng nhận định: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Mỗi đứa trẻ có khả năng và sở thích khác nhau. Bắt trẻ giỏi đều, giỏi toàn diện môn là việc khá… mơ hồ. Đáng buồn, tiêu chuẩn đánh giá học sinh này vẫn phổ biến tại các trường.

Con nhà người ta học được hoặc học giỏi cái gì thì mình cũng muốn, thậm chí bắt con mình làm được điều đó. Các bậc phụ huynh vẫn thường so sánh con với trẻ khác và muốn con đạt được điều người khác làm được. Bạn nên dừng ngay suy nghĩ này nếu không muốn đặt áp lực quá lớn lên con mình.

 

7. Cách nuôi dạy con mang tính bảo bọc

Trẻ em Nhật Bản, Na Uy, Hoa Kỳ được khuyến khích chơi ngoài tuyết, tắm nước lạnh, nghịch trong bùn… Tất cả để bản thân trẻ thích nghi thời tiết, ít bệnh tật hơn. Ngược lại, một số cha mẹ người Việt có xu hướng quá bảo bọc con. Trời mưa cấm dầm mưa, trời nắng không ra đường, cấm nghịch bẩn…

Trong nhà, người lớn cũng gánh hết công việc nhà. Trẻ chỉ việc ăn – ngủ – học – chơi. Người Việt cứ sợ trẻ rửa chén làm bể ly, dùng dao đứt tay, lau cửa sổ bị té ngã… Chúng ta vô tình tước đi những kỹ năng sống quan trọng của con trẻ.

“Tiệt trùng” môi trường sống của con không những không bảo vệ được con trẻ, ngược lại sẽ làm trẻ yếu ớt và ngại khó hơn. Tất nhiên, cha mẹ nên lường trước những nguy hiểm cho con. Nhưng có những thách thức giúp con cứng cáp mạnh mẽ hơn, cha mẹ nên nhận biết và khuyến khích con tự rèn luyện.

 

8. Thiếu tôn trọng trẻ

Vấn đề này không phổ biến, nhưng vẫn tồn tại. Tại trường học, học sinh hư bị nêu tên trước lớp. Thậm chí, học sinh cá biệt còn phải chịu phê bình trước toàn trường. Đây là hành động xúc phạm trẻ nghiêm trọng. Trẻ cần nhận lỗi của mình và ý thức sửa đổi chứ không phải chịu phán xét và đả kích.

Trong gia đình, bạn bắt gặp nhiều cha mẹ không ngại ngần chửi mắng, thậm chí đánh con tại khu vực công cộng. Bạn hẳn không ít lần nghe các cha mẹ bảo “Con nít, biết gì mà nói!”. Khi ý kiến cá nhân không được coi trọng, trẻ sẽ thiếu tự tin, nhút nhát và ít dám bảo vệ chính kiến của mình.

 

9. Quên dạy trẻ tôn trọng luật lệ và ứng xử văn minh

Xả rác ngoài đường, không biết xếp hàng, không giữ vệ sinh chung… vẫn tồn tại rất nhiều cách hành xử thiếu tôn trọng luật lệ và không tuân thủ ứng xử văn minh của người Việt Nam. Cha mẹ và nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm về việc dạy dỗ con trẻ khi đến nơi công cộng.

Hiện nay, nhiều luồng tư tưởng giáo dục nhân bản, cùng các phương pháp giáo dục hiện đại đã làm thay đổi cách giáo dục con trẻ. Tuy nhiên, những biểu hiện MarryLiving liệt kê bên trên vẫn tồn tại trong cách nuôi dạy con của người Việt Nam. Hy vọng, các bậc cha mẹ tiên tiến tiếp thu được cách dạy con tiến bộ và khắc phục dần tồn tại, để thế hệ trẻ Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với thế giới.

Nguồn: Marryliving


Tin liên quan

Tin cùng loại